So với nhiều địa phương trong cả nước, biểu tượng về Rồng của Huế khá phong phú và đa dạng. Nhân năm Nhâm Thìn sắp đến, người viết xin liệt kê những cái nhất về Rồng của Huế để bạn đọc có dịp thưởng lãm và suy ngẫm.
1. Thuyền Rồng Huế nổi tiếng nhất cả nước
Thuyền Rồng là một nét đặc trưng của văn hóa và du lịch Huế. Thời nhà Nguyễn, thuyền Rồng là phương tiện đi lại trên sông nước chỉ dành cho nhà vua.
Thuyền Rồng Huế có đầu và đuôi thuyền hình rồng, trên cửa có các chạm trổ của bảng khoa, mái bằng gỗ sơn màu vàng giả ngói, bên trong bố trí các rèm bằng lụa tơ tằm, nền rải thảm gấm.
Thuyền Rồng Huế to nhất là loại Tế Thông xưa. Thuyền rộng gần 4m, dài 30m, có ít nhất là hai tầng.
Đặc sắc du lịch thuyền Rồng Huế là khi bước vào không gian cổ xưa này du khách sẽ có dịp thưởng thức ca đàn Huế và đi tìm cái đẹp của trăng nước Hương Giang đầy thơ mộng.
Thuyền Rồng Huế |
2. Múa Lân Sư Rồng Huế vinh dự đạt giải nhì quốc tế
Huế không chỉ đẹp và nổi tiếng với quần thể di tích Cố Đô mà ẩn sâu trong văn hoá Huế còn có nhiều nét rất đặc trưng. Múa Lân Sư Rồng là một trong những nét rất riêng đó.
Điểm nhấn của múa Lân Sư Rồng ở Huế là nó đã được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Đặc biệt đoàn Thái Nghi Đường của Huế đã vinh dự giành giải nhì trong cuộc thi múa Lân Sư Rồng quốc tế với những đối thủ mạnh như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan...
3. Tác phẩm về Rồng của hoàng cung Huế là những tuyệt tác nghệ thuật
Các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hình tượng rồng được tạo tác vào thời Nguyễn nay vẫn được bảo tồn với số lượng đáng kể .
Trên chất liệu vàng bạc, hình rồng được điêu khắc tinh xảo phải kể đến là những chiếc ấn báu của Hoàng gia và những chiếc bình phong, trấn phong vô giá. Trên đồ đồng thì hình tượng rồng đặc trưng nhất phải kể đến hình rồng khắc trên Cao đỉnh trước tòa Thế Miếu trong Hoàng thành Huế.
Trước nhà hát cổ Duyệt Thị Đường cũng có đôi rồng điêu khắc đồng tuyệt đẹp. Rồng đặt trên bệ vuông, thân nửa phần cuộn quanh, nửa phần dựng lên để tạo dáng ngồi xổm rất thú vị. Mắt rồng nhìn thẳng, bờm và vây lưng dựng đứng, dáng vẻ ngộ nghĩnh hơn là oai vệ.
Trên chất liệu đá, hình tượng rồng thường được tạc thành khối riêng hoặc dạng phù điêu, trang trí hai bên bậc cấp lối đi, trên bình phong, trên bia đá quan trọng ở lăng tẩm. Những đôi rồng điêu khắc trên bình phong lăng Thiên Thọ Hữu, lăng Hiếu Đông được xem là đạt đến vẻ đẹp kinh điển.
4. Tranh Rồng nghệ thuật graffiti lớn nhất Việt Nam
Mấy năm trước đây, tác phẩm “Rồng” vẽ bằng nghệ thuật graffiti do nhóm sinh viên mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật Huế thực hiện tại hai dãy bờ tường chắn tôn dài 170m, với tổng diện tích gần 4.300m², bao quanh công trình xây dựng trung tâm thương mại Bắc Trường Tiền (thành phố Huế) đã trở thành tác phẩm graffiti có kích thước lớn nhất Việt Nam.
Đây là tác phẩm được giới thiệu tại Festival nghề truyền thống Huế 2007, diễn ra từ 8 đến 10-6. Tác phẩm “Rồng” thể hiện theo mô-típ “lưỡng long triều nguyệt” của Cung đình Huế, với hình tượng một đôi rồng uốn lượn rất sinh động.
5. Tác phẩm Rồng Việt bằng đá quý lớn nhất Việt Nam
Được chế tác từ khối đá mã não, một loại ngọc số 1 ở Việt Nam, tác phẩm Rồng Việt nặng 1,8 tấn, dài 3,3m được xem là một trong những tác phẩm đá nghệ thuật rồng bằng đá quý lớn nhất Việt Nam hiện nay. Để có được thế uốn lượn tự nhiên hệt dáng rồng đang thăng theo mẫu hình tượng rồng thời Lê Nguyễn, nhóm thợ trạm khắc ở Huế phải mất 11 tháng mới hoàn thành tác phẩm.
Được biết, tác phẩm này đã từng được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội và đã được ban tổ chức bình chọn là một trong hai tác phẩm tiêu biểu nhất mang đậm tính văn hóa Việt Nam của các hội sinh vật cảnh cả nước.
6. Đôi rồng chầu dài nhất Việt Nam
Huế đã lập Kỷ lục Việt Nam với đôi rồng chầu tại đền thờ vua Trần Nhân Tông, thuộc Trung tâm Văn hoá Huyền Trân.
Mỗi rồng chầu dài 105m, đầu cao 3,5m, thân cao 2,5m, vòng bụng nơi lớn nhất 2,6m.
Để tạo hình đôi rồng chầu này các lực lượng thi công phải cần đến 78m3 cát, 8m3 sạn, 41,5 tấn xi măng, 1,5 tấn sắt, 6 tấn bột đá, 3.300 viên gạch 6 lỗ, 33.000 viên gạch thẻ. Màu chủ đạo của đôi rồng chầu là màu xám được chạm trổ tinh xảo theo các mô típ cầm kỳ thi họa, tam lân hý cầu, đan xen là những vầng mây khi ẩn, khi hiện.
Đôi rồng được tạo tác từ năm 2008, nhân kỷ niệm 750 năm ngày sinh và 700 năm ngày mất của vua Trần Nhân Tông.
7. Bình An Sơn – nơi chế ngự Rồng để lập quốc
Truyền thuyết kể rằng, thời các chúa Nguyễn đến định đô tại Thuận Hóa thì người dân thường trông thấy một con Rồng to xuất hiện trên không trung, làm mưa làm gió, quấy nhiễu triều cương.
Các chúa bèn tìm người tinh thông địa lý đến khảo sát, mới hay, ngay trước mặt kinh thành Phú Xuân có một dãy núi thiêng, có hình dáng một con Rồng với nhiều long mạch khắc chế với Ðế quyền, cần phải có cao nhân trấn thủ điều phục điềm xấu.
Từ đó, các chúa cho phép các thiền sư đạo cao đức trọng đến cắm tích trượng vào những huyệt địa để thuần phục Rồng Thiêng, buộc chầu Thiên Ðế, quả nhiên Rồng Thiêng không còn quậy phá nữa.
Do vậy mà vùng đồi núi này có tên là Bình An Sơn. Trên dãy Bình An Sơn này có hàng chục ngôi chùa tọa lạc ở những vị thế tôn nghiêm, ra đời gắn với truyền thuyết.
8. Năm Nhâm Thìn, Huế đăng cai Năm Du Lịch Quốc gia
Lễ khai mạc Festival Huế 2012 đồng thời là khai mạc Năm Du lịch Quốc gia sẽ được tổ chức tại Ngọ Môn vào tối 7/4/2012.
Sự kiện này diễn ra đúng vào năm Nhâm Thìn đã vô tình giúp Huế đạt được con số viên mãn (số 9, số đơn tận cùng) về Rồng trên bình diện biểu tượng. Và hy vọng với thương hiệu “Rồng” của mình, Huế sẽ thu hút khách du lịch trong Nhâm Thìn này.
Bởi nếu được lựa chọn, chắn hẳn du khách sẽ lựa chọn địa điểm nhiều biểu tượng về Rồng nhất để du lịch trong năm Nhâm Thìn.
Và niềm hy vọng của du lịch Huế trong năm Nhâm Thìn cũng có thể sẽ “cất cánh” lắm chứ!
NGUYỄN VĂN TOÀN