Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Ngày thơ viếng mộ thi nhân
09:44 | 06/02/2012

SHO - Sáng ngày 05/2 (14 Tháng Giêng năm Nhâm Thìn), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế đã tổ chức chuyến đi Viếng mộ thi nhân tại các nghĩa trang trên địa bàn thành phố Huế và Hương Thủy tưởng nhớ các văn nghệ sĩ đã khuất .

Ngày thơ viếng mộ thi nhân
Văn nghệ sĩ Cố đô Huế chụp ảnh trước tượng cụ Phan Bội Châu

Đây là năm thứ tư văn nghệ sĩ Cố đô Huế tổ chức đi viếng mộ thi nhân vào dịp Tết Nguyên tiêu. Trước đó, từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, các văn nghệ sĩ Huế đã họp cùng nhau đi viếng mộ thi nhân theo từng nhóm từ 5 đến 7 người và mang tính tự phát. Đến Tết Nguyên tiêu năm Kỷ Sửu - 2009, chương trình Viếng mộ thi nhân được Tạp chí Sông Hương phát động và tổ chức quy mô lần đầu tiên tại Huế.

 

Trong tiết trời se lạnh của Huế, đoàn viếng mộ thi nhân do họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế dẫn đầu cùng với nhiều nhà văn nhà thơ xứ Huế: Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà, Nhất Lâm, Bửu Nam, Ngô Minh, Lê Phùng, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phạm Nguyên Tường, Lãng Hiển Xuân, Nguyễn Văn Quang,  Lê Tấn Quỳnh, Lê Vĩnh Thái, Nhụy Nguyên, Lê Vũ Trường Giang... trong hành trình viếng mộ, thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất.

 

Nơi đoàn đến đầu tiên là Khu lưu niệm Phan Bội Châu, nơi lưu giữ những hình ảnh, những áng thơ văn bất hủ của Ông già Bến Ngự - chí sĩ Phan Bội Châu, nhà yêu nước, nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của đất nước đầu thế kỷ XX. Rời Khu lưu niệm cụ Phan, đoàn đến Nghĩa trang Phan Bội Châu. Nghĩa trang Phan Bội Châu được xây dựng năm 1934 ở đường Thanh Hải rộng gần 6 ngàn m2, là nơi an nghỉ của những người cùng chí hướng với cụ Phan. Nơi đây, chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Diễu là người đầu tiên được an táng, và cùng với 21 ngôi mộ của những người có công với nước: liệt sĩ Lê Tự Nhiên, nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), mạc sĩ Nguyễn Huy Nhu, Tam lang tịch Nguyễn Văn Soạn, Đạm Phương nữ sử…

 

Tiếp tục hành trình, đoàn đi viêng mộ đến đồi Từ Hiếu, nơi an nghỉ của nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, của Hoàng Triều Tham Tri Bộ Lễ Trần Thúc Nhẫn, hai nhà chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân - Thái Phiên, nhà thơ Vĩnh Mai và nhà văn Trịnh Xuân An - người đứng đầu Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên, tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế hiện nay. Điểm tiếp theo của đoàn là khu vực nghĩa trang thành phố, nơi yên nghỉ của nhà thơ Thanh Tịnh, Hải Bằng, Thái Ngọc San, Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Xuân Hoàng.

 

Nơi cuối cùng đoàn viếng mộ đến là một ngọn đồi nhỏ nằm bên con đường mang tên thi sĩ - đường Phùng Quán, thuộc phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy. Đó là nơi an nghỉ của nhà thơ Phùng Quán và phu nhân, nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm.

 

Nhân dịp này, nhà thơ Ngô Minh thay đã mặt quỹ Phùng Quán trao tặng thưởng cho hai tác phẩm: Vùng sâu (NXB Hội Nhà văn, 2012) của nhà văn Tô Nhuận Vỹ và tác phẩm Xa Hà Nội (NXB Văn Học, 2011) của nhà văn Nhất Lâm tại mộ của nhà thơ Phùng Quán.

 

Viếng mộ thi nhân đã trở thành hoạt động thường niên vào mỗi dịp Nguyên Tiêu của văn nghệ sĩ Cố đô Huế, nhằm tri ân các thế hệ đã đóng góp cho nền thơ ca của tỉnh nhà và của đất nước, và đây cũng là dịp để giáo dục, khơi dậy truyền thống thơ ca cho thế hệ trẻ trên mảnh đất thơ ca này.

PV

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng