Nhiều nông dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đang “dở khóc dở cười” vì hơn 8000 ha lúa tại địa phương này ngoài bệnh lép hạt, đỏ hạt, còn bị dịch rầy nâu hoành hành. Nguy cơ phải đối diện với một vụ Hè Thu mất mùa của bà con nông dân là điều không thể tránh khỏi.
Nhiều thửa ruộng đang ở thời kỳ chắc hạt, nhưng lại “nhuốm” một màu vàng, nâu vì bệnh đỏ hạt. Ông Nguyễn Khắc Toan, xã viên HTX Đông Phước, lo lắng: “Tui làm 0,4 ha ruộng tại Dương Bột Tây. Mặc dù, đầu vụ xảy ra tình trạng chuột gây hại, nhưng được xem là vụ mùa gặp thời tiết khá thuận lợi. Vậy mà sau những trận mưa vào mỗi buổi chiều tối, hơn một nửa diện tích lúa bị bệnh đỏ hạt, mười hạt đỏ có đến chín hạt lép, có nguy cơ mất năng suất từ 40-50%”.
Tại HTX Hương Vinh, xã Hương Vinh (Thị xã Hương Trà) cũng xảy ra tình trạng lúa bị bệnh đỏ hạt, lép hạt và rầy hoành hành dữ dội.
Ông Đỗ Ri, Phó Chủ nhiệm HTX Hương Vinh cho hay, toàn HTX có 350 ha trồng lúa thì hơn 100 ha bị lép và bệnh đỏ hạt, tỷ lệ ảnh hưởng từ 10-30%, có vùng lên đến 40%, chủ yếu tập trung ở những vùng gieo sạ sớm. Như mọi năm, bình quân một sào thu hoạch khoảng ba tạ lúa, riêng vụ này ước còn hai tạ, có vùng chỉ đạt một tạ rưỡi. HTX Hương Vinh đang hướng dẫn người dân tăng cường phun thuốc Tilf Super để phòng trừ bệnh lép hạt, đỏ hạt, kết hợp với phun thuốc trừ rầy.
Theo bà con nông dân, bình quân mỗi ha lúa đầu tư đến thời điểm này là gần 22 triệu đồng. Giá lúa năm nay giảm từ 6.200đ/kg (vụ trước) xuống còn khoảng 5.000đ/kg, trong khi giá phân bón, thuốc trừ sâu, công cán đều tăng. Cộng với sâu bệnh hoành hành, có nguy cơ lỗ nặng khiến người trồng lúa rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Ông Phạm Văn Tần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế gieo cấy hơn 26.000 ha, đến nay đã có trên 20.000 ha đã trổ. Lúa trổ trà gặp thời tiết thường có mưa, âm u, nhiệt độ cao thất thường khiến một số diện tích lúa bị lép hạt, đỏ hạt. Tác động của điều kiện thời tiết nên lúa không thụ phấn, một số diện tích thụ phấn thì quá trình hình thành hạt bị ảnh hưởng. Tỷ lệ lúa lép hạt chiếm khoảng 10.000 ha, trong đó khoảng 60% bị ảnh hưởng đến năng suất.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Thừa Thiên- Huế, đến thời điểm này toàn tỉnh có gần 8.000 ha lúa bị nhiễm bệnh rầy nâu trên tổng diện tích 26.000 ha của lúa vụ Hè Thu, với mật độ phổ biến từ 750-1.500 con/m¬2, có nơi từ 7.000-10.000 con/m2, một số diện tích lúa bị cháy chòm. Trong đó, lập trung chủ yếu ở các huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Thủy.
Ông Võ Xuân Quang, một nông dân ở HTXNN Đại Phú, xã Phong Chương than phiền: “Vụ Hè Thu này gia đình tôi làm 1mẫu. Thời gian đầu vụ lúa phát triển rất tốt, nhưng cuối vụ thì rầy nâu bùng phát, tập trung ở giống QR1 khiến nông dân trở tay không kịp. Mặc dù đã phun thuốc nhiều lần nhưng đến nay rầy nâu vẫn tiếp tục hoành hành. Vụ này may lắm thì chỉ mong thu hồi được vốn, còn tình hình xấu thì coi như mất mùa nặng”.
Đến thời điểm này, Phong Chương có gần 200 ha lúa bị nhiễm rầy nâu trên tổng diện tích 848 ha của toàn xã. Ông Lê Viết Dân, Phó chủ tịch UBND xã Phong Chương, huyện Phong Điền cho biết: Ngày cao điểm toàn xã phải chi gần 200 triệu đồng để mua các loại thuốc bảo vệ thực vật phun trừ sâu rầy.
Ngoài Phong Chương, Phong Bình, Phong Hiền, các xã vùng Ngũ Điền tình hình lúa nhiễm bệnh rầy nâu cũng đang diễn ra phức tạp. Ông Nguyễn Quang Phú, Chủ nhiệm HTX Vân Trình, xã Phong Bình cho biết: Tại những đồng ruộng vùng thấp trũng xã Phong Bình, hiện tượng lúa nhiễm rầy nâu tập trung trên các giống Khang dân, HT1, QR1,...với mật độ cao từ 3.000-5000 con/m¬2 khiến bà con nông dân, HTX rất hoang mang và gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phun thuốc phòng trừ mặc dù đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vê thực vật đặc trị.
Đề cập vấn đề này, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Để triển khai hiệu quả công tác phòng trừ rầy nâu, ngoài việc vào cuộc tích cực của các địa phương, HTX, bà con nông dân cần thực hiện tốt các giải pháp phòng trừ bệnh rầy nâu. Trước mắt, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ và cấp phát hơn 1.100 lít thuốc BVTV Vicondo cho các địa phương có diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu nặng.
Theo PNO