(SHO) - Làng nón Mỹ Lam vừa được công nhận làng nghề truyền thống. Liệu rằng, việc công nhận này đã quá chậm trễ khi mà đã có một bộ phần người dân trong làng chuyển sang làm nghề khác vì “cuộc sống mưu sinh”?
Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Trời mùa thu mây che có nắng đâu?
Đó là hai câu thơ quen thuộc trong bài thơ “Nghiêng nón” của nhà thơ Trần Quang Long. Bài thơ đã một thời làm rung động trái tim của bao nhiêu người, nhất là của những O nữ sinh Đồng Khánh, bởi họ đã tìm thấy chính hình ảnh mình trong đó. Chiếc nón Huế cũng không quên đi vào và để lại trong âm nhạc những dư ba tha thiết. Nhạc sĩ An Thuyên đã “Tìm em giữa Huế mộng Huế mơ” chỉ bởi đã bị quyến rũ bởi hình ảnh cô gái “Huế thương, bài thơ khắc trong chiếc nón, em cầm trên tay ra đứng bờ sông”. Phải chăng hình ảnh chiếc nón bài thơ đã gắn liền với người con gái Huế như một nét đẹp khó phai vì đã trở thành một ấn tượng mạnh cho những người yêu Huế (và yêu…con gái Huế?). Chẳng hiểu từ khi nào mà nón lá Huế đã đi vào trong thơ ca, nhạc họa một cách âm thầm và lặng lẽ như vậy để rồi chính nó đã góp phần làm cho “những đứa con tinh thần” của các văn nghệ sĩ trở nên duyên hơn. Chiếc áo dài, mái tóc thề, chiếc nón bài thơ đã trở thành biểu tượng của người con gái Huế và giờ đây nón lại trở thành sản phẩm, món quà lưu niệm được du khách thập phương mua làm quà khi đến Huế.
Nhận thấy tiềm năng cần phát triển du lịch làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, đang dần trở thành xu hướng phát triển du lịch hấp dẫn trong các chương trình tour du lịch của mỗi quốc gia và Việt Nam không nằm ngoài điều đó. Bên cạnh những lợi ích nhất định về kinh tế, loại hình du lịch này còn mang lại những lợi ích to lớn về mặt văn hóa – xã hội, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của các vùng, miền khác nhau. Thừa Thiên Huế là địa bàn chiếm tỉ lệ lớn về số lượng làng nghề truyền thống. Ở đây có 27 nghề và nhóm nghề, 110 làng nghề, mỗi làng nghề lại mang những nét đặc trưng, đặc sắc và diện mạo riêng đã để lại những cảm nhận khó quên đối với người dân Việt Nam nói chung và du khách nước ngoài nói riêng khi đến Huế. Từ đó, Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án nghiên cứu liên quan đến việc phục hồi và phát triển các làng nghề và làng nghề thủ công. Sau khi, có Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của chính phủ và các Thông tư hướng dẫn thi hành của cán Bộ, tỉnh đã đưa chương trình phát triển ngành nghề nông thôn, khôi phục và phát triển làng nghề vào các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đông Nhân dân tỉnh cụ thể là Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2006-2010, Nghị quyết số 3g/2006/NQBT-HĐND ngày 10/4/2006 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội trong thời kì 2006-2010… Tỉnh luôn xác định phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề là một trong những chương trình trọng điểm để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhằm góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Có mặt hàng trăm năm nay làng nghề nón lá Mỹ Lam, xã Phú Mỹ (Phú Vang) đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm cho hàng ngàn hộ dân nơi đây. Cách trung tâm thành phố Huế 5km về phía đông nam, thôn Mỹ Lam (thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) bao đời có nghề truyền thống làm nón lá. Ở làng quê này, người dân sống chủ yếu bằng nghề làm nông nhưng với hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi nên nơi đây vẫn thu hút nhiều dân cư về đây sinh sống và lập nghiệp. Cả thôn có 350 hộ thì với gần 300 hộ gia đình làm nón đã mang lại thu nhập cho họ dù ở một mức độ nhất định. Người thôn Mỹ Lam là những con người hiền lành, mến khách, những người lao động cần cù, chăm chỉ. Với bàn tay khéo léo và tình yêu gắn bó với nghề họ đã làm ra những chiếc nón lá xinh xắn, bền chắc không chỉ phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người mà còn góp thêm những giá trị mới cho văn hóa của cộng đồng người Việt.
Thế nhưng, chừng 10 năm trở lại đây, làng nghề này trở nên buồn tẻ bởi đầu ra cho nón lá gặp khó, cộng với nhiều hộ dân tự chuyển sang các nghề khác để tăng thu nhập nên cái tên nón lá Mỹ Lam lừng danh một thời giờ như cảnh chợ chiều. Một câu hỏi được đặt ra, đó là: Làm gì để bảo lưu những giá trị truyền thống của làng cũng như hồi sinh được nghề chằm nón nơi đây?. Vào sáng ngày 16-8, Ủy ban nhân dân xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang đã tổ chức Lễ công nhận làng nghề truyền thống nón lá Mỹ Lam, xã Phú Mỹ theo quyết định số 725QĐ-UBND ngày 14-6-2013 của chủ tịch UBND tỉnh TT Huế. Liệu rằng, việc công nhận này đã quá chậm trễ khi mà đã có một bộ phần người dân trong làng chuyển sang làm nghề khác vì “cuộc sống mưu sinh”. Hiện nay, lao động chính ở làng nghề nón lá Mỹ Lam vẫn là các cô (dì), các bà (mệ) bởi họ những lao động tận dụng được sự nhàn rỗi sau công việc đồng án, công việc gia đình để làm nghề. Còn các bạn trẻ đã rời làng đi làm ăn, sinh sống ở nơi xa. Giờ đây, những chiếc nón bài thơ – chiếc nón lá đang xa dần với tà áo dài và cô gái Huế. Để tìm kiếm được hình ảnh “ Nghiêng nón” của những cô gái Huế giờ đây thật hiếm hoi. Bởi cuộc sống ngày nay với các phương tiện giao thông hiện đại và một nhịp sống tấp nập buộc con người phải lựa chọn những chiếc mũ bảo hiểm nặng trĩu để bảo vệ an toàn tính mạng của mình. Chính những nguyên nhân này sẽ khiến làn nghề nón lá Mỹ Lam rơi vào tình trạng thất truyền nghề nón trong tương lai không xa nếu chính quyền các cấp, các ngành không nhanh chóng đưa ra được chính sách phù hợp để hồi sinh làng nghề.
Tuy việc UBND tỉnh TT Huế công nhận làng nghề truyền thống nón lá Mỹ Lam là hơi chậm trễ nhưng nó sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với địa phương Mỹ Lam nói riêng và xã Phú Mỹ nói chung. Việc công nhận làng nghề sẽ thu hút thêm nguồn lao động có tay nghề ở địa phương, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng trong phát triển nghề chằm nón ở Mỹ Lam, gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo nhằm bảo đảm an sinh xã hội ở trên địa bàn. Nhưng để làm được điều này thì các nghệ nhân làng nghề - người giữ lửa cho nghề cần: Phát triển thêm nhiều mẫu mã, kiểu cách để phù hợp với thị hiếu của du khách dựa trên nền tảng mẫu mã mang tính truyền thống. Bên cạn đó, chính quyền huyện cũng cần khôi phục và quảng bá các lễ hội truyền thống của vùng. Đó là thay đổi phương thức quảng bá hình ảnh nón lá (Quảng bá sản phẩm làng nghề thông qua các hội chợ, triển lãm, trang web, xây dựng thương hiệu...) có sự liên kết sản phẩm với các vùng lân cận đến với du khách. Kêu gọi sự đầu tư, hỗ trợ vốn của các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết hợp chặt chẽ quá trình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Một điều quan trọng đó là, nhất thiết phải động viên, khuyến khích người dân tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề này. Liên hệ với các trung tâm dạy nghề của huyện mở những lớp tập huấn để nâng cao tay nghề cho người làm nghề. Mở các lớp ngoại ngữ chuyên ngành để phục vụ giảng dạy cho người dân địa phương để họ có thể giao tiếp với người nước ngoài khi cần thiết.
Cuối cùng là nghiên cứu xây dựng nhiều hơn các chương trình tour đặc sắc, hấp dẫn để du khách vừa được khách tham quan làng nghề (ngắm nhìn phong cảnh làng quê yên bình); được tìm hiểu về các vị tổ nghề, làm quen với những nghệ nhân, nông dân và có khi còn được trực tiếp tham gia vào các quy trình sản xuất sản phẩm thủ công mà người dân địa phương vừa bán được sản phẩm, hàng lưu niệm.
Hy vọng rằng với những giải pháp đó sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của các làng nghề nón lá Huế trong tương lai gần, để chiếc nón bài thơ xứ Huế còn mãi với thời gian và vươn xa ra toàn cầu.
LÊ THỊ MỘNG TUYỀN