Kinh tế và phát triển
Hạ tầng - Động lực lên đô thị loại I của Thừa Thiên Huế
08:03 | 10/09/2013

Tính chất của Thừa Thiên Huế và đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2020 là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. 

Hạ tầng - Động lực lên đô thị loại I của Thừa Thiên Huế
Tàu du lịch Rhapsody of the Seas cập Cảng Chân Mây

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, để hoàn thành mục tiêu này, Thừa Thiên Huế phải đáp ứng những tiêu chí ở mức độ cơ bản, tối thiểu. Chẳng hạn, tiêu chí về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, cảnh quan, thu ngân sách, GDP bình quân đầu người...

Theo ông Cao, trước tiên, Thừa Thiên Huế phải gìn giữ cố đô, luôn luôn xứng đáng là cố đô, kinh đô xưa của Việt Nam - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử đặc sắc của dân tộc Việt Nam - đó có lẽ là nhiệm vụ lớn nhất.

Tiếp đó, phải giữ được cảnh quan môi trường mang nét đặc trưng của Việt Nam, để khi bạn bè quốc tế đến với Huế, có thể cảm nhận được nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, địa phương phải tập trung hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, cảng biển và sân bay đúng tầm.

Để xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài đô thị Huế và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, còn có 5 đô thị động lực, gồm Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền, Sịa.

Ngoài ra, còn có nhiều đô thị vệ tinh khác, như A Lưới, Phong Điền, Khe Tre, Phú Lộc, Phú Đa... Bằng nhiều nguồn lực, các đô thị trên địa bàn không ngừng được đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, để ngày một khang trang.

Thuận lợi lớn nhất của địa phương là phần lớn đô thị đều nằm trên trục Quốc lộ 1A. Qua nhiều lần cải tạo, nâng cấp, hệ thống quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế bước đầu đã đáp ứng nhu cầu lưu thông. Các đoạn qua Phong Điền, Hương Trà, Huế, Hương Thủy, Phú Lộc, Lăng Cô... được mở rộng nâng cấp lên thành 4 làn xe.

Cùng với các đô thị được bố trí dọc Quốc lộ 1A, còn có một số đô thị khác được bố trí dọc Quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh là Vinh Thanh, Thuận An, Bình Điền, A Lưới. Các đô thị khác, như Sịa, Thanh Hà, Phú Đa, Khe Tre... được bố trí dọc tỉnh lộ 11, tỉnh lộ 4, tỉnh lộ 18 và tỉnh lộ 14. Ngoài ra, còn có rất nhiều tuyến đường được xây dựng mới, liên kết các đô thị động lực, đô thị vệ tinh với đô thị Huế, như đường Nguyễn Chí Thanh Huế - Sịa; đường Thủy Dương - Thuận An.

Được sự hỗ trợ của Trung ương cùng nỗ lực của địa phương, Thừa Thiên Huế đã tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị và nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, xây lại mới hệ thống cầu qua sông An Cựu, cầu Bao Vinh, cầu Long Hồ, cầu Dã Viên..., một số trục đường chính trong thành phố, như Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Hùng Vương, Chi Lăng, Phan Đăng Lưu, Đặng Thái Thân, cùng nhiều tuyến đường đến các điểm di tích, các trung tâm kinh tế, thương mại... được nâng cấp.

Hệ thống đường nội thị tại các đô thị động lực, đô thị vệ tinh cũng không ngừng được đầu tư xây dựng. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư kiên cố hóa. Một số tuyến giao thông quan trọng phá thế chia cắt đã hoàn thành, như hệ thống đường và cầu vượt phá Tam Giang, đường Phong Điền - Điền Lộc; Thủy Phù - Vinh Thanh, nhiều tuyến đường qua các miền núi, vùng biển, đầm phá khác... đang được xây dựng.

Nằm về phía Đông Bắc Thừa Thiên Huế, thị trấn Sịa được biết đến không chỉ là nơi hội tụ giao thương của huyện Quảng Điền, mà còn của cả các vùng lân cận và đang tiếp tục xây dựng trở thành đô thị động lực của tỉnh. Riêng 5 năm trở lại đây, tổng giá trị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn thị trấn Sịa đạt trên 210 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào giao thông, mặt bằng đô thị. Tuyến Quốc lộ 1A qua TP. Huế, nơi kết nối các đô thị Phong Điền, Hương Trà, Huế, Hương Thủy, Phú Lộc, Lăng Cô và nhiều khu đô thị khác cũng đang được mở rộng với quy mô hiện đại hơn. Với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng theo hình thức BOT, đoạn đường này đang được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 20,5 m, bao gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, với vận tốc thiết kế 60 - 80 km/giờ, sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Cùng với nhiều tuyến đường tỉnh được đầu tư xây dựng trong những năm qua, hệ thống quốc lộ trên địa bàn được đầu tư mở rộng, sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đồng thời, hệ thống giao thông sẽ tạo sự kết nối giữa đô thị Huế với các đô thị trên địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trọng tâm là khu công nghiệp, khu kinh tế

Thừa Thiên Huế xác định 2013 là năm “Xây dựng hạ tầng” để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu công nghiệp. Ban quản lý các khu công nghiệp Thừa Thiên Huế phấn đấu thu hút 2.900 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư, thu hút thêm khoảng 3.000 lao động trong năm 2013.

Ông Nguyễn Hữu Trân, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2013, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp; tiếp tục hỗ trợ các chủ đầu tư dự án thứ cấp xây dựng nhà máy, đồng thời huy động nguồn vốn để xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào, phục vụ các dự án trong khu công nghiệp. Trong các khu công nghiệp của Thừa Thiên Huế, hiện có 7 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng, với diện tích thuê đất 717,46 ha, trong đó có 2 dự án FDI, vốn đăng ký gần 1.324 tỷ đồng, vốn thực hiện 274,8 tỷ đồng.

Trong đó, Khu công nghiệp Phú Bài đã cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất giai đoạn I, II và giai đoạn III, IV đang được Công ty cổ phần Đầu tư Trung Quý Huế thực hiện các hạng mục san ủi mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện...

Công ty cổ phần Prime Thiên Phúc đang tích cực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu B - Khu công nghiệp Phong Điền. Ngoài ra, các dự án đầu tư hạ tầng khác của các khu công nghiệp khác, như La Sơn, Phú Đa, Tứ Hạ, Quảng Vinh cũng đang được xúc tiến hoàn tất thủ tục thực hiện đầu tư.

Về Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cho biết, theo quy hoạch, Khu kinh tế nằm trên địa bàn thị trấn Lăng Cô, xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích 27.100 ha, trong đó diện tích khai thác, phát triển Khu kinh tế khoảng 10.000 ha. Cùng với Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, việc hình thành Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ trở thành hạt nhân tăng trưởng chính của miền Trung, là cầu nối với thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Ông Nguyên cho rằng, Khu kinh tế nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) hội đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa để vươn lên tầm cao mới. Vấn đề đặt ra đối với địa phương là, cần quy hoạch theo hướng nào để phù hợp với điều kiện phát triển của khu kinh tế này? Tập trung mời gọi những dự án trọng tâm nào? Ưu tiên ngành nghề nào? Dịch vụ hậu cần Khu kinh tế ra sao...? Đây chính là những vấn đề mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận ra và đang tập trung đầu tư theo hướng hiệu quả nhất.

Theo ông Nguyên, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được phát triển theo mô hình tổng hợp, với cơ chế chính sách “mở”, được vận hành bởi khung pháp lý riêng với môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, được áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt cho các dự án đầu tư, xây dựng. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô gồm 5 khu chức năng chính: khu phi thuế quan, khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch và khu cảng.

Đến thời điểm này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng hướng phát triển phù hợp cho Khu kinh tế. Vấn đề còn lại là, cần phải có thời gian để vừa nghiên cứu thực tiễn, vừa triển khai để điều chỉnh và hoàn thiện dần về định hướng, cơ chế chính sách, phát triển cho phù hợp.

“Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà sàng lọc với những nhà đầu tư có năng lực thực thi cao, phù hợp với đặc trưng của Khu kinh tế, cũng như định hướng phát triển kinh tế của tỉnh”, ông Nguyên khẳng định.

Theo báo cáo, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu chức năng quan trọng chính, như khu đô thị, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu du lịch và khu cảng đã được lập và phê duyệt đảm bảo chất lượng, đúng quy định và đủ cơ sở để quản lý đầu tư, xây dựng trên địa bàn Khu kinh tế.

Lợi thế lớn, giàu tiềm năng phát triển, nhưng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cũng đối diện không ít thách thức, không chỉ dừng ở vấn đề dự án đầu tư còn khiêm tốn, năng lực chủ đầu tư chưa đủ mạnh, mà còn cả vấn đề về vốn đầu tư xây dựng hạ tầng. Để đảm bảo phát triển vững chắc, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cần xây dựng chính sách thu hút đầu tư hợp lý và sàng lọc các dự án thiếu hiệu quả.

Theo baodautu.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng