Kinh tế và phát triển
Dịch vụ trung chuyển hầm đường bộ Hải Vân: Chất lượng kém, dân bức xúc
14:51 | 12/09/2013

Trong gần 7 năm đi vào hoạt động và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân – Chi nhánh sản xuất dịch vụ thương mại Hải Vân đã nhiều lần tiến hành điều chỉnh tăng giá vé vận chuyển mô tô, xe máy và người nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ vận chuyển ngày càng tệ hại, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Dịch vụ trung chuyển hầm đường bộ Hải Vân: Chất lượng kém, dân bức xúc
Hầm đường bộ Hải Vân được đầu tư hiện đại nhưng nhanh chóng xuống cấp, hư hại sau khi đưa vào sử dụng khai thác

Xe vận chuyển thành… lò bát quái

Từ cuối năm 2007, nhằm tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân, Trạm dịch vụ vận chuyển mô tô, xe máy, xe đạp, người điều khiển phương tiện và người đi bộ qua hầm Hải Vân được Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân – Chi nhánh sản xuất dịch vụ thương mại Hải Vân chính thức đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chất lượng dịch vụ vận chuyển quá tệ hại, mặc dù đơn vị quản lý và khai thác đã không ít lần tăng giá dịch vụ vận chuyển nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Trực tiếp đi trên các chuyến xe trung chuyển qua hầm đường bộ Hải Vân, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân bày tỏ sự bức xúc về chất lượng dịch vụ quá kém. Anh Hồ Dũng (quê thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Trung bình mỗi tháng tôi có 4 lượt qua lại hầm Hải Vân. Mỗi lần đi xe trung chuyển qua hầm là mỗi lần mệt mỏi. Xe rung lắc như đã quá date (hạn) sử dụng. Khổ nhất là vào thời tiết nắng nóng, ngồi trong xe thì bức bí như một cái lò bánh mỳ”.

Theo nhiều người dân phản ánh, khi mới đưa vào khai thác (cuối năm 2007), chất lượng dịch vụ của trạm trung chuyển khá tốt. Ngoài hệ thống phương tiện vận chuyển, nhà vệ sinh, nhà tắm được đầu tư xây dựng khá hiện đại, 2 khu nhà trạm trung chuyển Bắc và Nam còn được lắp đặt thêm các dịch vụ tiện ích khác như: Internet wifi, truyền hình kỹ thuật số, sạc điện thoại di động, quạt công suất lớn, dịch vụ ăn nhanh, vá xe bơm xe máy miễn phí…. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, khai thác thì hệ thống cơ sở, phương tiện đã nhanh chóng xuống cấp, theo đó chất lượng phục vụ quá kém.

Độc quyền… vẫn lỗ

Nhiều lần tăng giá dịch vụ vận chuyển qua hầm Hải Vân nhưng chất lượng phục vụ quá kém, khiến người dân bức xúc

Lý giải về việc tại sao tăng giá vé dịch vụ vận chuyển, ông Lê Văn Sáu – Phó Tổng Giám đốc, Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân – Kiêm Giám đốc Chi nhánh sản xuất dịch vụ thương mại Hải Vân, cho biết: Từ cuối năm 2010, do chịu nhiều biến động do giá đầu vào tăng, cũng như giá cả điện nước, xăng dầu đang tăng… Để tạo điều kiện cho Trạm dịch vụ vận chuyển hoạt động ổn định, hiệu quả, đủ chi phí, Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân điều chỉnh tăng giá vé vận chuyển mô tô, xe máy qua hầm đường bộ Hải Vân từ 15.000đ/lượt lên 18.000đ/lượt, còn các mức giá vé khác vẫn giữ nguyên. Sau các lần tăng giá dịch vụ vận chuyện thì đến nay, giá vé dịch vụ vận chuyển khi qua trạm trung chuyển đối với mô tô, xe tay ga có mức thu là 30.000đ/lượt, 25.000đ/lượt đối với xe máy, xe đạp có giá 5.000đ/lượt, còn mỗi hành khách có giá 8.000 đ/lượt (mức giá 3.000 đồng đối với trẻ em từ 5 - 10 tuổi). 

Trao đổi về những vấn đề xung quanh chất lượng dịch vụ vận chuyển khiến người dân bức xúc, ông Lê Văn Sáu thừa nhận hiện nay chất lượng dịch vụ phục vụ của Trạm trung chuyển qua hầm Hải Vân còn nhiều vấn đề khó khăn, cho nên chưa thỏa mãn hành khách. Ông Lê Văn Sáu cho biết thêm: “Hiện nay, các xe vận chuyển hành khách đều không có hệ thống điều hòa hay thông gió. Bởi vì, sau thời gian sử dụng chưa đầy 3 tháng thì, hầu hết các phương tiện vận chuyển đều bị hư hỏng hết, hệ thống điều hòa do mức độ khói bụi độc hại trong hầm quá lớn. Muốn sửa chữa lại hệ thống điều hòa cho xe là rất tốn kém, đơn vị không thể thực hiện. Chúng tôi thừa nhận việc hành khách phải chịu cảnh nóng bức, ngột ngạt là đúng thực tế… Nhưng thời gian mà hành khách phải chịu cảnh đó chỉ khoảng 7 - 8 phút thôi!”.

Mặc dù, lấy lý do tăng giá vé vận chuyển nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng chất lượng phục vụ khách hành ngày càng kém. Giải thích về vấn đề này, ông Lê Văn Sáu nói: “Do đơn giá để nâng cấp, sửa chữa lại chất lượng xe phục vụ hành khách là rất lớn. Nhìn vào hình thức kinh doanh của đơn vị là độc quyền, nhiều năm đơn vị không có lãi, hiện càng khó khăn vì số lượng hành khách, phương tiện qua lại giảm. Trung bình mỗi ngày đơn vị có tổng thu chỉ khoảng gần 37 triệu đồng. Đáng lẽ trong năm nay sẽ đầu tư mua sắm, sửa chữa lại một số thiết bị nữa nhưng đơn vị đang đưa vào cổ phần hóa và đang được ấn định tài sản. Dự kiến trong thời gian còn lại chỉ đầu tư mua một vài xe tải, còn xe ca (xe vận chuyển hành khách - PV) phải chờ sau khi hoàn thành cổ phần hóa công ty”.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn mượn lại lời của vị đại diện đơn vị trên để nói rằng: Khi những chiếc xe nhập khẩu từ Nhật Bản đưa vào khai thác không đầy 3 tháng sau thì hệ thống điều hòa đều bị hư hỏng vì mức độ khói bụi quá lớn. Vậy thử hỏi rằng, sức khỏe của những hành khách ngày ngày hít thở cái không khí độc hại trong môi trường đó sẽ như thế nào? Vấn đề này thực sự không chỉ dừng lại ở quyền lợi của người dân đang bị xâm hại, mà còn thể hiện trách nhiệm và thái độ ứng xử của những người đứng đầu đơn vị chủ quản?

Theo Đại Thắng (GD&TĐ)

Các bài mới
Các bài đã đăng