Kinh tế và phát triển
Cây trồng mới đứng chân trên đất Nam Đông
15:52 | 12/09/2013

Gần đây, nhiều loại cây trồng mới "góp mặt" trên đất Nam Đông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vấn đề đặt ra đối với huyện là làm thế nào để "giữ chân" và phát huy hiệu quả các loại cây trồng.

Cây trồng mới đứng chân trên đất Nam Đông
Cây sầu riêng ở Nam Đông cho hiệu quả cao

Không ai ngờ đất Nam Đông trồng được cây sầu riêng, mít Viên Linh, lại còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi cây sầu riêng có thể cho thu nhập trên ba triệu đồng/năm; mỗi ha trồng được trăm cây, cho thu nhập 300 triệu đồng trở lên.

Cây mới “lên ngôi”

Hộ bà Lê Thị Hiển ở thôn 1, xã Hương Lộc trồng 15 cây sầu riêng cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Giống cây được bà Hiển đưa từ miền Nam về. Vườn sầu riêng trong những năm đầu chỉ vài cây được gieo trồng bằng hạt, sau đó nhân giống, đến nay được 15 cây. So với nhiều loại cây trồng khác trong vườn, như cam, quýt, chuối... thì cây mới này mang lại hiệu quả kinh tế cao vượt trội.

Ông Đào Xứng ở thôn Đa Phú, xã Hương Phú chỉ trồng hơn 10 cây cũng mang lại hiệu quả bất ngờ. Qua bốn mùa thu hoạch, bình quân mỗi năm 10 cây sầu riêng mang lại thu nhập trên 30 triệu đồng. Cũng như bà Hiển, ông Xứng cũng nghĩ rằng trồng chỉ để cho vui, không ngờ sầu riêng lại liên tục được mùa, được giá. Số lượng sản phẩm còn ít nên chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn huyện và một số địa phương lân cận. Ông Xứng, bà Hiển đều cho rằng, cây sầu riêng dễ trồng, nếu gieo hạt thì khoảng tám năm ra trái bói, còn trồng cây giống thì chỉ bốn năm. Mỗi năm sầu riêng chỉ cho thu hoạch một lần, từ tháng 7 đến tháng 10 (AL).

Ông Trần Đình Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho biết, vừa qua đơn vị cử cán bộ vào tỉnh Vĩnh Long mua 1.500 cây sầu riêng về hỗ trợ cho người dân các xã kinh tế mới. Đến nay, số lượng sầu riêng toàn huyện Nam Đông trên 2.000 cây với diện tích khoảng 20 ha, tập trung ở các xã Hương Phú, Hương Lộc, Hương Hòa, thị trấn Khe Tre. Trong số khoảng 100 cây đã cho thu hoạch, ở Hương Lộc có đến 48 cây, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Qua bốn mùa thu hoạch, cho thấy trái sầu riêng trên đất Nam Đông khá to, đều, chất lượng tốt.

Mít Viên Linh cũng là một trong những cây trồng mới khẳng định hiệu quả kinh tế cao trên đất Nam Đông. Cây trồng này được ngành nông nghiệp huyện đưa vào trồng thử nghiệm mới chỉ vài năm gần đây, năm nay cho thu hoạch lứa đầu tiên, trái to, múi to dày và thơm ngon. Ông Nguyễn Hinh ở xã Hương Hòa nhẩm tính, mỗi ha có thể trồng từ 300-350 cây mít, mỗi cây đạt khoảng 1 tạ sản phẩm. Với giá hiện nay, mỗi kg mít từ 3-5 ngàn đồng, như vậy mỗi ha cho thu nhập từ 100 triệu đến 150 triệu đồng. Cùng với sầu riêng và mít Viên Linh, cách nay hai năm, trên địa bàn huyện Nam Đông còn trồng thử nghiệm giống cam mới Valencia2 (V2) với diện tích 3,5 ha. Qua khảo nghiệm, giống cam mới này đang trong thời kỳ kiến thiết, một số cây đã ra hoa, kết trái, khả năng mang lại hiệu quả cao.

Cần chính sách hỗ trợ

Ông Trần Đình Việt Hùng, cho biết, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh, cây sầu riêng chỉ “có mặt” duy nhất trên đất Nam Đông. Sầu riêng không chỉ dễ trồng mà còn dễ tiêu thụ, giá ổn định bởi thị trường rộng lớn. Với số lượng sản phẩm còn “khiêm tốn” như hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Vấn đề đặt ra đối với huyện là làm thế nào để nhân rộng diện tích cây sầu riêng. Ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích, cử cán bộ đến Nam Bộ tìm mua giống, cung ứng cho người dân. Các ban ngành cấp trên quan tâm hỗ trợ nguồn giống và kinh phí tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nhằm nâng cao hiệu quả sầu riêng.

Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư các cơ sở kinh doanh, thu mua, chế biến sản phẩm... trên địa bàn sẽ được huyện tạo điều kiện tốt nhất về chính sách ưu đãi và hỗ trợ về đất đai, giải phóng mặt bằng; cơ sở hạ tầng; ưu đãi tín dụng...
Với cây mít Viên Linh hiệu quả đã thấy rõ, song thị trường tiêu thụ đang là vấn đề nan giải. Sản phẩm phải vận chuyển đến tận Bình Dương để bán nên lợi nhuận chưa cao. Các hộ chưa nắm vững kỹ thuật thu hái nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm. Định hướng của huyện là tiếp tục mở rộng diện tích cây mít, bởi dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí thấp lại cho năng suất cao. Ông Trần Đình Việt Hùng cho rằng, UBND huyện Nam Đông cần có chính sách hỗ trợ kinh phí, quy hoạch mở rộng diện tích. Khó khăn lớn nhất đối với cây mít là đầu ra cho sản phẩm. Huyện cần có chính sách ưu đãi, thông thoáng để kêu gọi các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân. Về lâu dài, cần xây dựng nhà máy tiêu thụ và chế biến tại chỗ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Trên địa bàn huyện Nam Đông hiện đang trồng thử nghiệm mãng cầu dai (na), tuy chưa đến kỳ thu hoạch nhưng đây cũng là một hướng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài mở rộng diện tích sầu riêng ở các xã Hương Lộc, Hương Phú, Hương Hòa, thị trấn Khe Tre, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương vận động người dân mở rộng diện tích trồng mít Viên Linh, dứa, mãng cầu dai... ở các xã định canh định cư. Ông Hùng cho rằng, để có đầu ra ổn định, ngay từ bây giờ, huyện cần có chính sách hỗ trợ giống và tìm đầu ra thuận lợi cho sản phẩm... Giải quyết các vấn đề giống, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ... một cách thuận lợi, các loại cây trồng mới sẽ “có chỗ đứng” trên đất Nam Đông, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà.

Theo Hoàng Triều (TT-Huế)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng