Ở bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, có một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, được người dân trong bản tin yêu, kính trọng. Đó là ông Nguyễn Văn Muốc, dân tộc Pa Hy.
Được biết, năm 1968, khi mới 13 tuổi, ông Muốc đã tham gia cách mạng và làm giao liên. Đến năm 1971, ông là đội viên đội du kích xã, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh nhiều trận lớn trên địa bàn. Đất nước giải phóng, ông Muốc trở về với bản làng. Nhưng cuộc sống du canh, du cư nay đây mai đó khiến cho kinh tế gia đình ông ngày càng khó khăn. Năm 1991, ông chuyển gia đình về vùng kinh tế mới, khai hoang đất làm nông nghiệp. Năm 1993, khi UBND tỉnh có chủ trương đưa cao su vào trồng thí điểm ở các vùng phía tây huyện Phong Điền, ông đã mạnh dạn nhận trồng thí điểm hơn 4ha đất mới khai hoang.
Để có thêm kinh nghiệm sản xuất, ông Muốc tham gia các lớp tập huấn của tỉnh về chăm sóc và trồng cây cao su. Ông còn đi các vùng đã trồng thành công cây cao su để học hỏi thêm, tiếp tục khai hoang đất để trồng sắn, trồng lạc, lấy ngắn nuôi dài. Năm 2002, 4ha cao su của gia đình ông Muốc cho thu hoạch, số tiền bán mủ cao su năm đầu tiên lên tới hơn 500 triệu đồng. Ông Muốc đã chứng minh được hướng đi của mình cũng là hướng thoát nghèo cho các hộ gia đình trong bản. Cũng bắt đầu từ đó, ông phải bận bịu hơn khi vừa trồng thêm 15ha rừng, 2ha cao su, vừa giúp bà con kinh nghiệm phát triển kinh tế.
Sau hơn 20 năm phấn đấu lao động, giờ đây gia đình ông Muốc đã có trong tay một cơ ngơi khá giả, với mức thu nhập hơn một tỷ đồng/năm. Kinh nghiệm định canh, định cư làm giàu của gia đình ông Muốc đang được người dân trong bản, trong xã học tập và làm theo.
TRẦN HẢI (QĐND)