Năm nay, người trồng cây cao su ở các tỉnh miền Trung lao đao vì hai cơn bão số 10 và 11 bởi hàng trăm ha loại cây công nghiệp giá trị này bị bão quật gãy ngang thân. Có người đưa ra ý kiến biện giải rằng, từ cuối thế kỷ thứ XVIII, người Pháp đã từng nghiên cứu rất kỹ thổ nhưỡng, khí hậu, vùng miền để trồng cây cao su ở Việt Nam và đã không trồng cây cao su ở miền Trung do thời tiết phức tạp, thiên tai bão lụt hằng năm, cây dễ bị gãy đổ...
Theo Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị, các cơn bão số 10 và 11 đổ bộ vào miền Trung, ảnh hưởng địa phương tại các huyện có trồng cây cao su cũng chỉ có cấp 8 đến cấp 9, có nơi chỉ ngang với gió Tây Nam vào mùa hè. Nhưng cây cao su lại bị gãy đổ nhiều. Kết quả công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ thực tế đã có lời giải đáp, khiến mỗi người chúng ta không khỏi giật mình, khi phát triển cao su đã bị bà con nông dân lạm dụng một cách thái quá, phát triển theo kiểu “mạnh ai, nấy làm”, chỉ biết thu lợi nhuận mà quên đi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị: Từ 20 năm nay, cây cao su ở các tỉnh miền Trung đã bị vắt kiệt sức. Thay vì cạo mủ 2 ngày, 1 ngày nghỉ thì người trồng cao su đã cạo liên tục tới 6 ngày, chỉ 1 ngày nghỉ. Nguyên nhân thứ hai là khâu chọn giống. Ngày trước, chọn giống cây cao su để trồng trên đất miền Trung thường niên hứng chịu gió bão là loại cây giống có tán thấp, được ươm từ hạt lên, cây vì thế ít chịu tác động trước gió bão. Ngày nay, giống cây cao su cũng mang tính “công nghiệp”, chưa kể cây mới bắt đầu bén rễ thì người trồng đã tập trung vào việc vuốt tán lên cao, chăm chăm tới việc thu hoạch. Chưa hết, thay vì cây trồng từ 7 đến 8 năm mới bắt đầu cạo mủ, những năm qua, cây trồng mới chỉ 5 đến 6 năm người ta đã cạo mủ.
Ngoài ra, mật độ cây trồng nhất thiết phải cách nhau ngang 3m, dọc 3m, nhưng những năm lại đây người ta trồng chỉ cách nhau tầm 1,5m đến 2m. Do vậy, khi có tác động từ bên ngoài vào, nhất là mưa gió, thân cây vốn bị vắt kiệt mủ trở nên rất giòn, cộng với đó thân cây cao vóng, phân bố san sát nhau nên rất dễ bị gãy đổ và gãy đổ dây chuyền.
Không phải bây giờ mà hơn 20 năm về trước, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cây cao su bắt đầu được trồng thử nghiệm trên những vùng gò đồi của tỉnh Thừa Thiên - Huế theo Dự án 327 “phủ xanh đất trống đồi trọc”. Người dân ở các vùng gò đồi thuộc các huyện: Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà đã rủ nhau khai hoang, mở rộng diện tích để trồng cao su. Cho đến thời điểm này, tổng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt 9.100 ha... Không thể phủ nhận lợi ích kinh tế mà cây cao su đem lại, thế nhưng sau mỗi trận bão, cụ thể như bão số 11 vừa qua, thì cây cao su lại trở thành nỗi “ám ảnh” và khiến nhiều nông dân ở Thừa Thiên - Huế lâm cảnh nợ nần. Đặc biệt là người dân ở vùng núi huyện Nam Đông, khi toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có trên 220ha cao su gãy đổ thì huyện này đã chiếm 90%.
Chúng tôi vượt gần 60km để lên xã Hương Hòa, một trong những xã của huyện miền núi Nam Đông chịu thiệt hại nặng, khi có diện tích cây cao su gãy đổ lên đến 110ha. Đứng bên rừng cao su gãy rạp do bão số 11 gây ra, nhìn những dòng mủ trắng chảy ra từ vết gãy giữa thân cây cao su mà bà Hồ Thị Thu, ở thôn 10 (xã Hương Hòa) nghẹn ngào nói: “8 năm qua, gia đình tui đã vay mượn ngân hàng trên 100 triệu đồng để trồng và chăm bẵm cho 3ha cao su ni. Vừa mới cạo mủ được 1 năm thì giờ đã bị bão làm gãy đổ hết rồi, tới đây không biết lấy tiền đâu mà trả nợ ngân hàng…”. Nhiều hộ dân khác ở xã Hương Hòa cũng chung hoàn cảnh như bà Thu khi vườn cao su của họ đều bị gió bão quật ngã bật gốc.
Ông Cao Viết Hùng (53 tuổi, ở thôn 9, xã Hương Hòa) mấy hôm nay đã khóc cạn nước mắt khi vườn cao su 2,5ha của ông đã bị gió bão quật gãy toàn bộ. “Mỗi ngày, bình quân 2,5ha cao su này thì vợ chồng tui bán mủ cũng kiếm ít nhất được 1 triệu đồng. Nhờ thế mà 3 đứa con của tui được ăn học đàng hoàng. Vợ chồng tui vừa trồng thêm 1 ha cao su nữa nhưng giờ cũng gãy đổ cả, coi như mất trắng hết rồi chú ơi”, ông Hùng nghẹn ngào.
Những ngày qua, nhiều hộ dân ở xã Hương Phú (huyện Nam Đông) cũng vô cùng đau đớn khi số diện tích cây cao su đã bị gãy quá lớn sau bão số 11. Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết thêm, hiện trên địa bàn huyện có 3.500ha cây cao su nhưng chỉ mới 1/3 trong số này được khai thác lấy mủ. “Bà con nông dân trên địa bàn huyện vừa mừng khi bão số 10 không ảnh hưởng đến cây cao su, nhưng đến bão số 11 thì tan hoang hết. Qua thống kê, toàn huyện đã có 200ha cao su bị gãy, trong đó nặng nhất là xã Hương Hòa, Hương Phú, Hương Sơn, Thượng Long”.
Mặc dù mỗi năm chịu ảnh hưởng của rất nhiều cơn bão, làm gãy đổ hàng trăm ha cây cao su, hàng chục tỷ đồng của người nông dân bị mất trắng, nhưng có lẽ, phương án chặt bỏ cây cao su hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác ở tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ không được thực hiện. Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thừa nhận: “Thời gian tới, tỉnh sẽ có phương hướng triển khai lại việc trồng cây cao su sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên trồng cây cao su ở những nơi hứng chịu gió mạnh”.
Nhận định về việc trồng cây cao su ở địa bàn Thừa Thiên - Huế, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Nông lâm Huế cho rằng, hiện người trồng cây cao su vẫn chưa chú trọng đến các giống cây chất lượng tốt mà chỉ phát triển theo hướng cao su tiểu điền nên khi gặp gió bão, cây đã không có sức chịu đựng. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: “Nếu muốn trồng cao su tại khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Thừa Thiên - Huế, thì bên cạnh việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu cây cao su bền vững, cần chú trọng đến vấn đề nghiên cứu, chọn tạo giống cao su, nhất là những giống có thân cây dẻo dai, khó đổ gãy khi gặp bão”.
Lê Anh – Thanh Bình (CAND Oline)