Kinh tế và phát triển
Thừa Thiên Huế: Lợi thế mời gọi đầu tư
08:49 | 12/04/2014

Với sự đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng một cách đồng bộ cùng nhiều chính sách ưu đãi hợp lý, các KCN Thừa Thiên Huế đã thành công lớn trong vai trò thu hút các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thừa Thiên Huế: Lợi thế mời gọi đầu tư

Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực tập trung nhiều về thế mạnh của kinh tế biển, đóng vai trò là “mặt tiền” của VN trong quan hệ kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh còn có cảng biển nước sâu Chân Mây và cảng biển Thuận An gần với các tuyến vận tải quốc tế, thích hợp cho các tàu container và tàu hàng bách hóa giúp cho việc tăng cường mở rộng xuất nhập khẩu, thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Những hạt nhân đầu tàu

Hiện nay, ngoài KCN Phú Bài là hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, Thừa Thiên Huế còn có 5 KCN tập trung: KCN Phong Điền, KCN La Sơn, KCN Tứ Hạ, KCN Quảng Vinh và KCN Phú Đa đã và đang chiếm một vị thế quan trọng trên bản đồ kinh tế chung của tỉnh. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp cũng tương đối cao. Điển hình như KCN Phú Bài giai đoạn 1&2 đạt trên 90%;KCN Phong Điền B đạt 90%;… Tỷ suất vốn đầu tư trên diện tích đất công nghiệp đã cho thuê bình quân đạt 59 tỷ đồng/ha.

Về thu hút đầu tư, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng không tốt đến hoạt động thu hút đầu tư, song KCN tại Thừa Thiên Huế vẫn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước với số lượng ngày càng tăng lên. Cụ thể, nếu như giai đoạn 1999-2008, có 8 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 66,7 triệu USD, thì trong giai đoạn 2009-2013, số dự án đầu tư là 13 dự án, tăng 62,5% số dự án với vốn đầu tư trên 152,1 triệu USD, tăng 128% nâng con số dự án đầu tư vào các KCN của tỉnh lên 90 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 18.203 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong quý I/2014, Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Thừa Thiên Huế đã trao Giấy chứng nhận đầu tư 05 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 505 tỷ đồng: dự án Nhà máy Sợi của Công ty CP Dệt may Thiên An Thịnh với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; dự án Nhà máy may của Công ty CP Dệt may Thiên An Phú - 80 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng và ván Okal của Công ty TNHH MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Đinh Hương - 95 tỷ đồng; Công ty TNHH Hello Quốc tế Việt Nam đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tứ Hạ giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư 210 tỷ đồng.

Các dự án đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động địa phương, góp phần mạnh mẽ trong việc chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - nghiệp, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, tăng thu ngân sách cho nhà nước.

Đồng hành cùng nhà đầu tư

Ông Nguyễn Hữu Trân – Trưởng BQL các KCN Thừa Thiên Huế cho biết: Với việc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư xây dựng và chính sách ưu đãi, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư, chúng tôi tin rằng, các nhà đầu tư hoàn toàn an tâm rằng khi đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh, bởi ngoài những cơ chế ưu đãi của Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư khi đến làm ăn tại Huế.

Theo đó, các dự án đầu tư trong KCN có mức giá thuê lại đất có hạ tầng rất thấp, giá dịch vụ hợp lý, các dự án trên địa bàn tỉnh sẽ được áp dụng khung giá đất thấp theo quy định. Tỉnh cũng hỗ trợ một phần chi phí đền bù giải phóng mặt bằng  cho các dự án trọng điểm và một phần kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin miễn phí và đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư.

Về định hướng thu hút đầu tư vào các KCN trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ ban hành chiến lược xúc tiến đầu tư nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đảm bảo mang tính đột phá cho từng giai đoạn. Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục thành lập các đoàn công tác liên ngành đi xúc tiến, mời gọi đầu tư theo các lĩnh vực mà tỉnh đang khuyến khích, ưu tiên đối với những lĩnh vực sản xuất thân thiện với môi trường, đặc biệt chú trọng thu hút những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và các dự án tạo ra sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, tạo mối liên kết giữa DN FDI với DN trong nước.

Theo dddn.com.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng