Kinh tế và phát triển
Thừa Thiên Huế thu hút đầu tư: 7 nhiệm vụ trọng tâm
09:43 | 18/04/2014

Trong những năm gần đây, cùng với những chính sách ưu đãi thông thoáng, linh hoạt và đầu tư hợp lý nên Thừa Thiên Huế đang là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thừa Thiên Huế thu hút đầu tư: 7 nhiệm vụ trọng tâm
Quy hoạch khu đô thị Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đó là chia sẻ ông Nguyễn Văn Phương, GĐ Sở Kế hoạch – Đầu tư Thừa Thiên Huế xung quanh câu chuyện về thu hút đầu tư của tỉnh.

Theo ông Phương, trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp về khả năng hỗ trợ ngân sách của tỉnh, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên kêu gọi đầu tư theo từng thời kỳ; tổ chức tham gia các sự kiện như hội nghị, hội thảo…nhằm quảng bá hình ảnh, cung cấp thông tin, tìm kiếm đối tác... nhằm tăng cường tối đa thu hút đầu tư. Còn trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế cam kết sẽ hỗ trợ tối đa và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến với Huế.

- Vậy, thưa ông, đâu là những thuận lợi và tiềm năng giúp Thừa Thiên Huế thu hút đầu tư ?

Thừa Thiên Huế là địa phương có vị thế chiến lược, là cực phát triển kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ của tuyến hành lang thương mại Đông - Tây nối Myanma, Thái Lan, Lào với biển Đông; có cảng nước sâu Chân Mây có khả năng tiếp nhận tàu du lịch quốc tế cỡ lớn 100.000 GTR; có cảng hàng không quốc tế Phú Bài là một trong hai cảng hàng không lớn của Vùng.

Về tiềm năng du lịch, Thừa Thiên Huế là trung tâm du lịch lớn của cả nước, có Vịnh Lăng Cô - là một trong những Vịnh đẹp nhất thế giới; có Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là hai Di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của thế giới…

Về công nghiệp, Thừa Thiên  Huế có nhiều khả năng phát triển các ngành có lợi thế về nguyên liệu, nhân lực và thị trường theo hướng hiện đại, tinh xảo. Toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 2.100ha. Các KCN được bố trí gần QL 1A, đường sắt Bắc Nam và Cảng nước sâu Chân Mây- Lăng Cô, sân bay quốc tế Phú Bài, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại.

Về thủ tục hành chính, Thừa Thiên Huế ghi dấu ấn lớn với việc giành vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI2013. Thông qua kết quả PCI, tỉnh cũng hy vọng  các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đánh giá đúng những cải cách trong công tác điều hành và từ đó sớm có những quyết định đầu tư vào Thừa Thiên Huế.

- Ông có thể chia sẻ tình hình thu hút đầu tư trong thời gian qua ?

Tính đến thời điểm 31/12/2013, tỉnh đã cấp phép cho 254 dự án cho nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 94.000 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trên địa bàn tỉnh hiện có 74 dự án được cấp giấy phép với tổng vốn đăng ký là 2,2 tỷ USD với nhiều dự án quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội của địa phương như Công ty TNHH Bia Huế, Công ty HH Luks Xi Măng, Laguna Huế, DN dệt may lớn như HBI, Scavi, Công ty TNHH MSV,…

- Vậy, Thừa Thiên Huế sẽ có những chủ trương nào để tiếp tục thu hút đầu tư vào tỉnh một cách đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả hơn?

Nhằm tiếp tục thu hút đầu tư vào tỉnh một cách đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả hơn, nhất là trong điều kiện chịu nhiều tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là tổ chức cung cấp công khai và thường xuyên các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, các chính sách ưu đãi của Tỉnh,… trên Trang thông tin điện tử và tại các công sở.

Thừa Thiên Huế xác định rõ 7 nhiệm vụ trọng tâm nhằm hỗ trợ DN, thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Hai là, tập trung kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu các dự án then chốt vào các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như du lịch - dịch vụ, công nghiệp, công nghệ cao…theo Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2010 – 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ba là hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến các vùng trọng điểm kêu gọi đầu tư như các KCN, KKT Chân Mây Lăng Cô,…

Bốn là tiếp tục tổ chức đối thoại chính sách về đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế để lắng nghe nhu cầu của các nhà đầu tư, tăng cường quan hệ giữa nhà đầu tư - cơ quan nhà nước - đơn vị cung ứng dịch vụ tư vấn, tài chính...

Năm là tiếp tục nghiên cứu cập nhật các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh theo mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật.

Sáu là thành lập Tổ công tác liên ngành, thường xuyên làm việc với các DN, nhà đầu tư nhằm tư vấn chính sách, hỗ trợ pháp lý, nắm bắt các khó khăn vướng mắc kịp thời đề xuất tháo gỡ. 

Cuối cùng, chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo mục tiêu hướng trọng tâm vào công tác hỗ trợ và cung cấp các dịch cụ công cho DN và nhà đầu tư. Thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ và tiếp nhận các phản ánh của DN, nhà đầu tư nhằm khắc phục và cải thiện môi trường đầu tư ngày một tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Theo dddn.com.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng