Kinh tế và phát triển
Nông dân lao đao vì cao su rớt giá
08:11 | 16/07/2014

Từng là cây trồng chủ lực, giúp thoát nghèo cho hàng vạn hộ đồng bào huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế), thế nhưng gần đây giá cao su rớt “tận đáy” khiến người trồng rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Nông dân lao đao vì cao su rớt giá
Giá mủ cao su thấp kỷ lục đã khiến nhiều hộ dân lao đao

Toàn huyện Nam Đông có 3.538 ha cao su, chiếm hơn 1/3 diện tích cao su toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Cao su Nam Đông được trồng hầu hết ở 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Đối với bà con nông dân ở đây, cây cao su từng giúp họ đổi đời, rồi đến khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua mủ cao su thì bà con lại rơi vào cảnh nợ nần ngân hàng, lãi mẹ tiếp tục đẻ lãi con.

Đã hơn 10 năm ôm mộng làm giàu từ lúc trồng cao su đến thời điểm này ông Nguyễn Văn Dực (thôn Phú Mậu, xã Hương Phú) lại cảm thấy thất vọng, ông buồn bã kể: “Nói về “lịch sử” trồng cây cao su tui không phải đi đầu nhưng cũng đã hơn 20 chục năm nếm đủ ngọt bùi với nó.

Năm 1993, tui vay vốn trồng 4 ha cao su, sau trận bão năm 2006, bão quật tan, vườn cao su xem như xóa sổ. Những năm sau đó, để “chắc ăn”, tui chuyển đổi sang trồng keo, tràm, chỉ trồng 2,5 ha mà thôi.

Thời đó, cao su được giá, kỷ lục lên đến 40 - 50 nghìn đồng/kg mủ tươi. Mỗi ngày tui thu 3 - 4 triệu bạc. Chỉ mấy năm tui cất được căn nhà như hiện nay.  Mấy năm nớ tui tưởng trúng cao su, độ một vài năm là mua xe tiền tỷ như chơi, đến giờ thì thua ông trời”.

Thời huy hoàng của người dân Nam Đông trồng cao su chẳng được bao lâu, mùa vụ năm nay, giá mủ cao su xuống thấp chỉ 7 - 8 nghìn đồng/kg, không đủ công cùng các chi phí khác, nhiều hộ dân phải khai thác cầm chừng để kiếm sống.

Theo ông Dực, những năm trước, giá cao su cũng thụt giảm, còn 14 - 15 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi ngày thu 3 - 4 trăm nghìn đồng, bà con nông dân vẫn “thở” được. 

Nhưng với giá hiện nay, mỗi buổi sáng ra vườn cao cũng chỉ kiếm được 100.000 đồng, tính ra thu nhập còn thấp hơn lên rừng kiếm lâm sản phụ để bán nên nhiều hộ nông dân đã bỏ bê vườn cao su không buồn chăm sóc.

Nhiều hộ còn có ý định chặt hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Cùng hoàn cảnh với ông Dực là hàng nghìn hộ dân có thâm niên trồng cây cao su ở Nam Đông.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, người trồng cao su lâu năm ở thôn Phú Mậu, nhẩm tính: “Với 2 ha cao su, những năm trước giá mủ cao thì có tiền trả ngân hàng, mua sắm cũng như đầu tư tái sản xuất. 

Giờ giá xuống thấp như thế này thì mỗi ngày tui lỗ cả trăm nghìn đồng, trong khi đó, trồng cao su 6 - 7 năm mới khai thác được. Trong khoảng thời gian đó, tính cả thảy chi phí cả mấy trăm triệu đồng hứ không ít.”

Ông Trần Bảo Thắng - Chủ tịch UBND xã Hương Phú - cho biết: Toàn xã có hơn 800 ha cao su đã đưa vào khai thác trên 50% diện tích với khoảng 80% hộ dân trong xã tham gia trồng. Khi mủ cao su được giá, cây cao su đã từng lập kỳ tích “đưa” xã Hương Phú ra khỏi Chương trình 135.

Thế nhưng, mùa vụ năm nay giá xuống kỷ lục chỉ 7 - 8 nghìn đồng/kg, thời gian gần đây có “nhích” lên 9 - 10 nghìn đồng/kg, trừ các khoản tiền phân bón, công cán cùng những chi phí sản xuất khác thì bà con nông dân cầm chắc thua lỗ, với giá mủ như hiện nay, doanh thu của bà con giảm đến 50%.

Hiện tại, đối với người trồng cao su ở Nam Đông, trong đó có nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan do giá mủ cao su “xuống đáy” là áp lực trả nợ ngân hàng và chi phí sản xuất, chăm sóc vườn cao su. Hầu hết các hộ dân trồng cao su đều thông qua nhiều nguồn khác nhau để vay vốn, bình quân mỗi gia đình vài chục triệu đồng.

Vẫn nợ Ngân hàng NN&PTNT huyện cùng các nguồn khác gần 100 triệu đồng, ông Dực càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn bởi áp lực trả nợ, trong khi kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào vườn cao su. 

Ông Dực cho biết: “Lúc đầu tôi vay 37 triệu đồng, những mùa vụ đầu tiên, cất được nhà cửa, mua sắm được xe. Qua các trận bão năm 2006, 2013, vườn cao su hư hại, tái tạo lại nhiều lần, không có tiền trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con. 

Hiện tại tui có 2,5 ha cao su nhưng giá thấp, thu hoạch mủ chẳng được bao nhiêu trong khi mỗi tháng phải trả tiền lãi đều đặn cho ngân hàng.”

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Thành - Phó phòng NN&PTNT huyện Nam Đông cho hay: “Toàn huyện Nam Đông có 3.538 ha cao su, trong đó có 2.100 ha đã cho khai thác. 

Sản lượng mủ đông đạt 7.500 - 8.000 tấn/năm, đạt doanh thu 60 tỷ đồng. Nhờ cây cao su tạo thu nhập cho người dân mà hai xã Hương Phú và Hương Sơn đã xin ra khỏi Chương trình 135. 

Tuy nhiên, trận bão năm 2013 đã làm hơn 200 ha cao su bị thiệt hại. Đến thời điểm hiện nay, giá mủ cao su xuống quá thấp, thu nhập giảm rõ rệt đã đẩy người dân vào hoàn cảnh khó khăn. 

Tình hình giá cả xuống thấp, người dân sẽ không thể đầu tư chăm sóc, tái sản xuất dẫn đến chất lượng mủ giảm, vườn cây có nguy cơ dịch bệnh”.

Ông Thành thừa nhận, trồng cây cao su ở Nam Đông tính rủi ro rất cao. “Hiện, phía huyện đang nghiên cứu xúc tiến làm bảo hiểm cây cao su cho người dân”- Ông Thành nói.

Theo giaoducthoidai.vn

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng