Kinh tế và phát triển
Thừa Thiên - Huế: Nông dân bán tháo sắn non
16:46 | 13/09/2014

Những ngày qua hàng trăm chiếc xe chở sắn nối đuôi nhau đậu ở trước cổng Nhà máy Tinh bột sắn, tại xã Phong An huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên- Huế và tràn ra tận Quốc lộ 1A chờ nhập cho nhà máy.

Thừa Thiên - Huế: Nông dân bán tháo sắn non

Qua tìm hiểu được biết có nhiều xe phải đợi hai ngày mới bán được sắn cho nhà máy. Không chỉ sắn được bán với giá thấp, tư thương ép giá mà còn trong 3 đến 4 ngày qua lượng sắn được người dân bán ra quá lớn, khiến nhà máy không thu mua kịp…

Nhổ sắn để chạy lũ

Có mặt tại huyện Phong Điền- một trong những địa phương có diện tích sắn lớn của tỉnh Thừa Thiên- Huế. Về các nương sắn của các xã Phong Hiền, Phong An, Phong Xuân, Phong Sơn…, từ dưới ruộng lên các đường thôn, đường tỉnh lộ, đâu đâu cũng thấy bà con nông dân huy động hết nguồn nhân lực nhổ sắn. Bởi theo như người dân ở khu vực này cho biết, chỉ cần để sắn ngâm trong nước vài ngày mưa thôi, diện tích sắn bị chết, thối củ sẽ tăng lên chóng mặt, thiệt hại vô cùng lớn. 

Tại xã Phong An, nơi có Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế, người dân đang ra sức nhổ sắn, dùng đủ mọi phương tiện chở ra Quốc lộ để đến nhập cho nhà máy sắn. Vừa lúi húi nhổ sắn trên khoảnh đất nhà mình, ông Lê Tuyến (thôn Đông Lâm, xã Quảng An) cho biết: "Như mọi năm còn hơn 1 tháng nữa bà con ở trồng sắn như chúng tôi mới nhổ, nhập cho nhà máy. Năm nay do mưa lớn quá, nước lũ ngâm mấy ngày ni 0,5 ha sắn của tui vàng lá, sắp chết hơn nửa. Nếu trong hai ngày nữa mà không nhổ xong thì sẽ thối củ hết, lúc đó mang cho lợn ăn chứ bán chẳng ai mua”. Ông Tuyến ước tính, mọi năm với giá trên dưới 2.000 đồng/kg sắn người dân Phong An trồng còn có lãi. Năm nay do ồ ạt nhổ sắn chạy lũ nên chỉ được nhà máy mua từ 1.500đồng/kg đến 1.700 đồng thôi do sắn hơi bị non, chất lượng bột không đảm bảo. Cứ tính giá sắn như những năm trước, 1 sào thu được 1 tấn sắn, bán ra được 2 triệu đồng, tiền phân bón mất 900 nghìn đồng rồi. Những năm nay sắn non bán với giá như hiện nay thì chỉ ngang với tiền phân bón thôi. Dân trồng sắn lỗ to”.

Tại xã Phong Hiền, bà con cũng đang hối hả thu hoạch sắn bán tháo nhằm giảm thiệt hại. Theo ông Trần Đức Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã, toàn xã có 190 ha sắn, trong đó có 70 ha là diện tích chạy lũ. Những vùng đất cát thấp trũng, dễ ngập úng hiện bà con mới thu hoạch được 55ha. Do nhổ sắn sớm nên ảnh hưởng chất lượng tinh bột là điều khó tránh khỏi... Hiện tại bà con trồng sắn của địa phương rất khó khăn vì sắn mang nhập cho nhà máy không tiêu thụ kịp, chi phí vận chuyển lớn. Người dân phải chờ chực do sắn bị ùn ứ trong 4 ngày nay. Biết bán không kịp nhưng không nhổ thì sẽ hư, thiệt hại vô cùng lớn.

Thiệt thòi còn hơn mất trắng

Do đồng loạt nhổ sắn bán chạy lũ, tránh thiệt hại nên trong những ngày qua, người dân đã dùng mọi phương tiện từ xe bò, xe kéo đến xe tải ồ ạt chở sắn về Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế để tiêu thụ.Thời gian cao điểm, theo ghi nhận của chúng tôi, có 160 xe tải, công nông đậu ngược xuôi, chen chúc trên quốc lộ trước nhà máy. Tình trạng diễn ra nhiều ngày đã gây mất an toàn giao thông; sắn phơi mưa, phơi nắng hư hỏng, làm giảm chất lượng tinh bột, gây thiệt hại cho bà con. Mặc dù lượng sắn đổ về ngày một nhiều, thế nhưng phía nhà máy chỉ làm việc trong giờ hành chính, khiến lượng xe dồn ứ ngày một đông.

Ông Nguyễn Dư Anh, một tài xế xe tải cho biết: "Tui từ xã Quảng Lợi chở 4 tấn sắn về đây đợi gần hai ngày rồi mà chưa bán được. Đường xa, không lẽ mang về. Sắn phơi mưa, phơi nắng dễ hư hỏng, chất lượng chắc chắn bị giảm”. Ngoài ra một số xe tải, xe kéo của người dân Phong Điền và các huyện lân cận chầu chực trước cổng nhà máy chờ nhập nguyên liệu. "Xe tui chở gần chục tấn sắn từ Phong Hiền về đây nhưng đợi đã 3 ngày nay rồi mà vẫn chưa nhập được. Sắn phơi nắng, phơi mưa đang bốc mùi nên lo lắm. Chưa năm mô mà người dân trồng lớn khốn khó như năm ni”, theo tài xế Trương Văn Hóa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đại Vui- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Toàn huyện có gần 1.800 ha sắn, đến nay đã thu hoạch được 532 ha. Trước tình trạng người dân đồng loạt nhổ sắn bán gây ùn ứ trước nhà máy, ngoài việc chỉ đạo lực lượng điều tiết đảm bảo an toàn giao thông. "Chúng tôi đã chỉ đạo nhà máy làm việc với từng địa phương có hợp đồng, lộ trình cụ thể khi nào thu hoạch và ưu tiên cho vùng sắn chạy lũ, nhằm tránh thiệt hại cho người dân”, ông Vui nói.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế cho hay: "Do thời gian này bà con thu hoạch sắn đồng loạt, trong khi đó công suất của nhà máy chỉ 500 tấn/ngày, kho chứa 1.200 tấn mà thôi. Năm nay, một số nơi thu hoạch sắn sớm, chất lượng bột không đạt nhưng nhà máy vẫn tạo điều kiện thu mua, hỗ trợ bà con”.

Theo daidoanket.vn

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng