Dê là con vật dễ nuôi, khỏe mạnh, ít bệnh tật, không lệ thuộc về khâu thức ăn, sinh sản nhanh, chăn nuôi dê không chiếm quá nhiều diện tích đất nên được khá nhiều hộ nông dân trên địa bàn thị xã Hương Thủy chọn nuôi trong thời gian gần đây.
Trang trại của vợ chồng chị Phùng Thị Hiền ở tổ 4, phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy) hiện có hơn 100 con dê nuôi lấy thịt. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên số dê của gia đình chị phát triển đồng đều. Ngay từ lứa dê đầu tiên, sau khi bán gia đình chị đã thu đủ vốn đầu tư ban đầu. Đến nay, đàn dê của chị Hiền có hơn 20 con mẹ. Mội năm, dê sinh sản được 2 lứa, mỗi lần sinh từ 1 - 2 con. Sau 6 tháng nuôi, dê con đạt 25-30 kg là xuất bán. Mỗi năm xuất bán 2 lần, mỗi lần 15-20 con. Trừ chi phí, gia đình chị thu nhập gần 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị còn cung cấp dê giống cho các hộ gia đình có nhu cầu nuôi ở địa phương và các vùng lân cận.
Dê là loài động vật tạp ăn, nó có thể ăn nhiều loại lá cây, các loại phụ phẩm nông nghiệp khác dê đều ăn được nên rất thuận tiện cho bà con trong chăn nuôi. Có thể nuôi dê theo hình thức chăn thả hoặc nuôi nhốt trong chuồng. Chúng ít bệnh tật mà lại mắn đẻ nên đàn dê tăng rất nhanh. Người ít vốn cũng nuôi được dê. Nuôi dê cũng tốn ít công sức mà lại thu hồi vốn nhanh, hiệu quả kinh tế rất rõ ràng... Hiện nay, hầu hết các hộ nuôi dê ở thị xã Hương Thủy đều chọn nuôi dê thịt. Loài dê thịt phổ biến nhất vẫn là dê địa phương, hay còn gọi là dê cỏ. Nó có màu lông vàng nâu hay loang đen, loang trắng. Loại này chỉ nặng chừng 25-30kg/con. Chúng chỉ cần 6-7 tháng tuổi là đã có thể phối giống, mỗi lứa 1-2 con. Chuồng trại nuôi dê cũng làm khá đơn giản, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, thoát nước tốt, thuận lợi cho việc quét dọn và có thể giữ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.
Từ hiệu quả mô hình nuôi dê, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay nhằm tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất. Ông Đặng Văn Mãnh, Trưởng trạm Khuyến nông Lâm ngư thị xã Hương Thủy cho biết: “Hiện nay mô hình nuôi dê được chính quyền địa phương đánh giá về hiệu quả của nó do ít dịch bệnh. Để giúp bà con được hỗ trợ nguồn vốn vay, ngành nông nghiệp thị xã đã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các vốn vay ưu đãi như quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ xóa đói giảm nghèo, ngân hàng chính sách… giúp bà con có kinh phí xây dựng chuồng và phát triển đàn dê của mình”.
Trong khi chăn nuôi trâu, bò đang gặp khó khăn về nguồn vốn, về điều kiện chăn thả... thì nuôi dê là lựa chọn phù hợp, bởi dê là động vật ăn tạp, nguồn thức ăn phong phú. Để khuyến khích người dân chú trọng hơn trong phát triển đàn dê, ngành nông nghiệp thị xã tiếp tục tập trung tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chủ động trong công tác tiêm phòng dịch nhằm nhân rộng mô hình.
Theo huongthuy.thuathienhue.gov