Đề án quy hoạch ngành dệt may tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Sở Công Thương làm chủ đầu tư đã được Hội đồng thẩm định của tỉnh thẩm định để thực hiện.
Với quan điểm đưa ra là xây dựng tỉnh Thừa Thiên- Huế thành một trong những trung tâm dệt may của khu vực miền Trung, từng bước hình thành ngành công nghiệp thời trang, phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dệt may, nâng cao giá trị gia tăng ngành dệt may; phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Mục tiêu chung của đề án là đến năm 2030 ngành công nghiệp dệt may vẫn là ngành công nghiệp chủ lực, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao. Phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2016 – 2020: 17,5-18%; tăng trưởng xuất khẩu: 14,9%; giai đoạn 2021-2025 : tăng 15,5-16% và 8,5%; giai đoạn 2026-2030: tăng 13,5-14% và 3,7%. Ngoài ra, đề án cũng cho thấy phát triển ngành may trên cơ sở chuyển dần từ gia công sang sản xuất đến sản phẩm cuối cùng để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Để thực hiện quy hoạch dệt may đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trên, báo cáo đề án đã đề ra 10 giải pháp thực hiện. Hy vọng sau khi đề án dệt may được UBND tỉnh phê duyệt đi vào triển khai thực hiện; ngành dệt may sẽ là ngành công nghiệp chủ lực mang lại giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp ngân sách cho tỉnh và tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những trung tâm dệt may của Vùng và cả nước.
Theo TRT