Kinh tế và phát triển
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn
09:22 | 28/10/2014

Công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được đào tạo nghề là khá ổn định so với cùng kỳ năm trước, nhất là sự phát triển của các doanh nghiệp may, các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch, dịch vụ ...

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn

 Sau khi tốt nghiệp THPT, học viên Hoàng Thị Hằng đến từ phường Hương Hồ, Thị xã Hương Trà đã tìm đến trung tâm dịch vụ việc làm TT Huế để theo học nghề may với mong muốn sớm có một nghề nghiệp ổn định nuôi sống bản thân và gia đình. Em chọn nghề may bởi vì đây là một nghề cho thu nhập khá, có cơ hội xin việc làm cao do các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này tại địa phương đang phát triển mạnh, có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn, không phải tha hương làm việc như trước đây.

Tại Trung Tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở lao động Thương binh và Xã hội TT Huế, số lượng học viên theo học nghề may như Hoàng Thị Hằng chiếm tỷ lệ rất lớn: 400 học viên trên tổng số 674 học nghề tuyển mới trong năm 2014. Trong đó, đa số là học viên đến từ vùng nông thôn. Ông Nguyễn Hòa – PGĐ Trung tâm giới thiệu Việc làm TT Huế cho biết thêm: "Các học viên cũng theo học các ngành nghề có tính ứng dụng thực tiễn và có cơ hội xin việc làm cao như: chăn nuôi, thú y, trồng và chăm sốc cây cảnh, trồng nấm, sản xuất giá đỗ, kỹ thuật chế biến món ăn…Tất nhiên nghề may vẫn chiếm ưu thế vì nhận được sự quan tâm tạo điều kiện giải quyết việc làm rất lớn từ các cấp chính quyền và doanh nghiệp. Tỷ lệ gần 100% học viên theo học nghề may có việc làm sau khi kết thúc khóa học..."

Hoàn toàn miễn phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm dạy nghề huyện Phú Vang đã thực hiện đề án 1956 của chính phủ kết hợp với dự án Lucxemburg để đào tạo nghề cho trên 600 học viên với tổng kinh phí 800 triệu đồng. Không chỉ đào tạo nghề,  trung tâm còn tìm kiếm, kết nối,  liên kết với các đơn vị tuyển dụng lao động, cụ thể là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để hợp tác đào tạo nghề theo ngu cầu của Doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho các học viên sau khi kết thúc khoá học, chính vì vậy tỷ lệ học viên sau đào tạo nghề có việc làm ngay tỷ lệ khá cao, khoảng 85%.

Tại các vùng đang phát triển các khu công nghiệp mới, rõ ràng nhu cầu về nguồn nhân lực là rất lớn. Tại KCN Phú Đa, Cty CP dệt may Thiên An Phú là một ví dụ. Mới đi vào hoạt động chính thức tại nhà xưởng mới ở KCN, Cty chỉ mới đưa vào sản xuất 16 trong tổng số 32 chuyền may, mới tuyển dụng 250 công nhân trên tổng số nhu cầu sử dụng là 1600 lao động khi cả 2 xưởng đi vào hoạt động vào năm 2015, tức số công nhân may hiện đang làm việc tại doanh nghiệp chỉ mới đạt 1/6 so với quy mô hoạt động của cty. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Lâm - trưởng phòng nhân sự cty cp dệt may Thiên An Phú: “Hầu hết lao động ở địa phương và tại TT Huế theo học nghề may đang được quan tâm tuyển dụng của cty. 100% số lao động đang học nghề may tại Phú Vang sẽ được cty tuyển dụng."

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được đào tạo nghề là khá ổn định so với cùng kỳ năm trước, nhất là sự phát triển của các doanh nghiệp may, các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch, dịch vụ ...

Hoạt động đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của xã hội chính là chìa khoá cho thành công này. Ông Nguyễn Văn Thoản - trưởng phòng Dạy nghề - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TT Huế thông tin: "Trong năm 2014, Sở LĐTB và XH đã tổ chức thực hiện ký kết dạy nghề cho 3500 lao động nông thôn với tổng kinh phí là 5,6 tỷ đồng (chủ yếu trích từ nguồn kinh phí từ đề án 1956 của chính phủ). Từ nguồn này đã đào tạo cho trên 2900 học viên, đạt 84, 34% so với kế hoạch, bao gồm các nghề may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, kỹ thuật trồng và khai khác cây cao su, trồng nấm, trồng hoa, nuôi trồng thủy sản…đồng thời đang triển khai 4 lớp dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng tại các huyện Phú Lộc, Phú Vang và TX Hương Trà…trong đó, việc các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tại địa phương trực tiếp đào tạo và tuyển dụng đã góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn."

Cũng trong năm nay, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã thống nhất với Sở Kế hoạch và  Đầu tư trình UBND tỉnh TT Huế phê duyệt điều chuyển vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia từ nguồn vốn dùng cho phát triển thông tin việc làm sang dạy nghề lao động nông thôn và điều tra cung cầu lao động. Đồng thời tiến hành thanh tra dạy nghề cho lao động nông thôn đối với Trường Cao đẳng nghề TT Huế theo kế hoạch.  tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn và thực hiện kế hoạch kiểm định các cơ sở dạy nghề thuộc địa phương quản lý. Những hoạt động trên nhằm mục đích làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề và giới thiệu, giải quyết việc làm tại chổ cho lao động nông thôn theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, sử dụng lao động địa phương tránh tình trạng người dân bỏ quê hương đi làm thuê phương xa như trước đây.

Theo TRT

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng