Cây thông phát triển tốt ở địa bàn TT Huế, trong khoảng thời gian từ năm 1976 đến 2003 diện tích thông nhựa toàn tỉnh đạt khoảng trên 13 ngàn ha, được phân bố đều khắp từ bắc đến nam.
Cây thông đã phát triển tốt, cho nhựa với sản lượng đều đặn, bình quân mỗi cây trưởng thành cho 1,5 kg nhựa mỗi năm, một ha có thể trồng từ 500 đến 800 cây, như vậy có thể thu khoảng 1 tấn nhựa mỗi năm, với giá ổn định từ 25 ngàn đồng đến 35 ngàn đồng mỗi kg nhựa thông, mỗi ha có thể thu về từ 35 đến 45 triệu đồng mỗi năm. So với các loại cây lâm nghiệp khác như keo lá vàng, keo tai tượng, mỗi chu kỳ 5 năm, bình quân cho thu nhập từ 40 đến 80 triệu đồng, thì một ha thông nhựa trong 5 năm cho lợi nhuận cao hơn nhiều, giải quyết được một lượng lao động nhất định và ổn định.
Bên cạnh đó cây thông có khả năng chống chịu với thời tiết, mưa bão, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tốt hơn, độ che phủ của rừng thông không bị đứt quảng do khai thác trồng mới. Thông nhựa đã được trồng thành công và là cây trồng chủ lực của ngành lâm nghiệp liên tục từ năm 1976 đến năm 2003. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh và giữ đất rất tốt. Hàng ngàn ha đã từng bị các trận dịch sâu róm hoành hành; bị lửa rừng uy hiếp; song thật kỳ lạ về sức sống mãnh liệt của nó; trong khi nhiều cây trồng rừng khác trong hoàn cảnh đó dẫn đến chết cả khu rừng thì trái lại, cây thông nhựa vẫn chịu đựng được và phục hồi lại rừng, tiếp tục phát triển.
Từ năm 2003 đến nay, do thị trường gỗ dăm phát triển đã tác động tiêu cực đến cây thông và diện tích rừng thông được trồng hàng chục năm tuổi. Từ hơn 13 ngàn ha thông nhựa, đến nay toàn tỉnh chỉ còn trên dưới 4 ngàn ha, tập trung ở Công ty lâm nghiệp Phong Điền, khoảng 1500 ha, công ty lâm nghiệp Tiền Phong trên dưới 1000 ha, rừng bắc Hải Vân và một số diện tích rải rác từ Phong Điền đến Phú Lộc. Trong khi đó cây thông là một loại cây trồng bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao, mỗi ha một năm cho thu nhập bình quân 40 triệu đồng, so với chu kỳ 7 năm của keo tràm thì nguồn thu này lớn hơn rất nhiều lần, giá nhựa lại ổn định, không bếp bênh như mủ cao su…Ở Công ty lâm nghiệp Phong Điền, hiện tại có 3 đội sản xuất chuyên chăm sóc rừng thông, vệ sinh rừng, phòng chống cháy nổ và thu hoạch nhựa thông với hơn 200 lao động là người dân ở các xã Phong Xuân, Phong Mỹ và Phong Sơn, với nguồn thu nhập bán thời gian, nông nhàn đã tạo nguồn thu ổn định cho họ.
Đa phần diện tích rừng trồng từ dự án PAM đã bị đốn hạ để thay thế bằng cây keo tràm, ngay cả diện tích thông cảnh quan tại khu vực lăng vua Gia Long, cũng bị chia đất và bị đốt phá dữ dội…Gần đây nhất là vụ phá rừng thông ở đèo Phước Tượng, huyện Phú Lộc, vụ đốt rừng thông ở chân đồi Vọng Cảnh, phía giáp với bờ nam sông Hương…Hay vụ đốt trụi gần 5 ha rừng thông ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà… Cho thấy việc hủy hoại diện tích rừng thông có dấu hiệu ngày càng tăng với cấp độ lớn. Nguyên nhân này cho thấy nhận thức về cây trồng lâm nghiệp chưa mang tính bền vững, chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt của người dân. Nếu sau một chu kỳ cây keo tràm phải đốn hạ thì phải mất đến 3 năm sau diện tích tán rừng mới được phủ xanh trở lại, mà trên cùng một diện tích chỉ trồng keo tràm sẽ phá hủy chất đất, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa gió là rất lớn, nguyên nhân khi thu hoạch diện tích bị cày xới để trồng mới, trong khi đó điều kiện địa hình lại có độ dốc lớn…Trong khi đó nhu cầu chế phẩm từ nhựa thông tại tỉnh nhà vẫn chưa đủ đáp ứng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Với sản lượng hiện tại khoảng 1000 tấn nhựa mỗi năm, thì chưa thấm vào đâu với nhu cầu sản xuất sơn nước, chứ đừng nói gì đến các chế phẩm khác từ nhựa thông. Đó là khẳng định của các chuyên gia lâm nghiệp.
Thông nhựa là một loài cây bản địa của Thừa Thiên Huế, sinh trưởng và phát triển tốt trên các đất rừng có lập địa xấu, trơ sỏi đá, chua, dốc. Cây tái sinh tự nhiên cao, vòng đời kéo dài cả trăm năm; khả năng chích nhựa 50 - 60 năm; có thể trồng thuần loài hoặc hỗn giao với cây trồng khác như các mô hình sẵn có. Việc gieo ươm, trồng, chăm sóc và bảo vệ cũng như tổ chức khai thác nhựa, không chỉ công nhân mà cả nông dân đã có nhiều kinh nghiệm có thể kế thừa và phát huy.
Có thể khẳng định rừng trồng thông nhựa đã đáp ứng cả chức năng kinh tế và phòng hộ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì trong quy hoạch trồng rừng phòng hộ, cây thông nhựa đã bị loại khỏi danh sách. Mười năm trở lại đây, hầu như không có nơi nào trồng thông nhựa; thậm chí nhiều nơi còn thanh lý để chuyển sang trồng keo. Từ chỗ, toàn tỉnh có khoảng 13 ngàn ha rừng thông nhựa, đến nay chỉ còn khoảng 3 ngàn ha. Nếu cho rằng thông nhựa sinh trưởng chậm, vậy thì các cây bản địa hiện đang trồng phòng hộ, cây nào sinh trưởng nhanh hơn? Điều đáng mừng, trong kế hoạch phát triển của Công ty lâm nghiệp Tiền Phong thời gian tới, sẽ duy trì diện tích thông sẵn có và trồng mới một số diện tích còn lại của đơn vị quản lý.
Cây thông nhựa Chủ yếu trồng để lấy nhựa, có thể lấy gỗ phục vụ xây dựng, đóng đồ dùng gia dụng. Có thể là cây tiên phong trồng rừng ở những nơi đất khô cằn. Nhựa thông được lấy từ cây thông được tinh chế để thu được tinh dầu thông, và phần còn lại là colophan được xà phòng hóa để làm xà phòng và sử dụng làm keo trong sản xuất giấy (keo nhựa thông) và một số ứng dụng trong công nghiệp điện, làm chất đốt...Loài thông này là bản địa của khu vực Đông nam Á. Nói chung loài thông này sinh sống tại khu vực có độ cao vừa phải, chủ yếu trong khoảng 400m-1.000 m, nhưng đôi khi xuống thấp tới 100 m và lên cao tới 1.200 m. Tại Việt Nam, thông nhựa phân bố nhiều ở các tỉnh miền trung, và một số ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ. Thông nhựa được trồng chủ yếu ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Lâm Đồng (Đà Lạt). Thông có đặc tính là chịu lạnh tốt, thích nghi với độ cao từ 500 m.
Theo TRT