Kinh tế và phát triển
Phú Lộc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản
14:05 | 14/11/2014

UBND huyện đã ban hành Công văn số 1895/UBND-NN ngày 11/11/2014 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản.

Phú Lộc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản
Ảnh minh họa (internet)

Trước tình hình thời gian gần đây, tại một số địa phương, xảy ra tình trạng người dân tự ý giăng lưới bắt tép, cơi nới nò sáo, đặt đáy trong luồng lạch, khai thác thủy sản bằng các nghề mang tính hủy diệt... làm ảnh hưởng đến môi sinh và nguồn lợi thủy sản đầm phá. UBND huyện yêu cầu  UBND các xã, thị trấn ven đầm phá tiếp tục tổ chức quán triệt Quyết định số 4260 QĐ/2005/QĐ-UBND ngày 19/12/2005 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý khai thác thủy sản đầm phá Thừa Thiên Huế đến từng hộ ngư dân để các hộ biết và thực hiện cắm sáo, đáy theo đúng vị trí đã phân vùng; đúng quy cách (chiều dài cánh sáo tối đa 350m/01 cánh, chiều rộng miệng sáo nhỏ hơn hoặc bằng 150m); không giăng lưới ven bờ để bắt tép gây mất cảnh quan đầm phá và làm phá vỡ quy hoạch phân vùng khai thác.

Đồng thời, UBND huyện cũng  yêu cầu UBND các xã, thị trấn ven đầm phá thực hiện nghiêm túc Thông báo số 291/TB-UBND ngày 20/10/2014 của UBND huyện về kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện tại cuộc họp soát xét tình hình quản lý nghề lừ xếp trên khu vực đầm phá; cụ thể: củng cố, kiện toàn Tổ công tác kiểm tra, quản lý hoạt động nuôi trồng, khai thác thuỷ sản trên đầm phá của xã, thị trấn; kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm sử dụng lừ xếp sai quy cách và phạm vi hoạt động; tổ chức cho các hộ ngư dân làm cam kết về số lượng lừ xếp khai thác trên đầm phá năm 2014, 2015 theo chỉ tiêu số lượng được giao; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa UBND cấp xã, tổ công tác của xã, các chi hội nghề cá nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, cần tăng cường quản lý hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm đánh bắt thủy sản trái phép; đặc biệt, nghiêm cấm hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, làm tổn hại đến môi trường, nguồn lợi thủy sản đầm phá; đồng thời, giao trách nhiệm cho các chi hội nghề cá thường xuyên theo dõi, giám sát quy mô, số lượng các loại ngư cụ; quản lý chặt chẽ mặt nước đã được giao quyền khai thác thủy sản, không để bị lấn chiếm.

PV

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng