Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, rèn làng Vực vẫn bám trụ cho đến bây giờ. Có lẽ những vất vả khó khăn không thể làm những người thợ ở đây gục ngã.
Khi đặt vấn đề muốn viết bài về nghề rèn truyền thống làng Vực, được các cán bộ của phòng Văn hóa Thông tin thị xã giới thiệu, chúng tôi tìm đến lò rèn của bác Nguyễn Quý (tổ 6, phường Thủy Châu). Đập vào mắt chúng tôi là một “ông lão” bên chiếc lò đã tắt lửa, mồ hôi nhễ nhãi đang mài, dũa những công đoạn “làm nguội” cuối cùng cho những sản phẩm chuẩn bị cho mùa vụ của bà con nông dân. Tranh thủ lúc bác Quý nghỉ tay, chúng tôi hỏi bác cảm nhận về cái nghề của mình, bác đã trả lời với giọng đầy tự hào nhưng cũng chất chứa nhiều trăn trở: “Nghề rèn là nghề truyền thống của gia đình. Cả nhà có ba anh em thì cả ba đều làm nghề này. Trước đây, tôi cũng đã thử làm nghề khác để có thu nhập cao hơn nhưng vì yêu nghề, yêu mảnh đất nơi đây nên vẫn bám trụ với cái lò rèn này cho đến bây giờ”.
Do cơn lốc đô thị hóa, đầu ra cho các sản phẩm truyền thống không còn nhiều, các sản phẩm làm ra không có thị trường để tiêu thụ. Ngoài nguyên nhân khách quan trên thì yếu tố nhân lực, thợ nghề cũng là một trong những lý do dẫn đến nghề rèn ngày càng bị mai một. Đa số thợ rèn có tay nghề đã già, lớp thanh niên phần lớn không còn mặn mà với nghề “cha truyền con nối” nên hầu hết họ đều muốn thoát ly khỏi quê hương và tìm một nghề khác thức thời hơn.
Trong số những hộ dân còn theo nghề rèn ở làng Vực thì chỉ có anh Huỳnh Thế Tiến (chủ cơ sở rèn Trường Tiến) là người tiên phong học hỏi kinh nghiệm của các làng nghề rèn khác và mạnh dạn đầu tư thêm máy móc hiện đại để phụ thêm sức người, đồng thời để các sản phẩm của làng có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Nhờ sự đầu tư trang bị thêm máy móc của anh Tiến mà những thợ rèn trong làng một phần nào bớt đi sự lo toan trong việc duy trì và phát triển nghề. “Trước đây, một ngày lò rèn của tôi chỉ làm ra 20 đên 30 sản phẩm nhưng nhờ có máy dập của anh Tiến mà bây giờ tôi có thể cho ra 50 sản phẩm mỗi ngày”, đó là lời kể của ông Nguyễn Bưởi - người đàn ông ngủ tuần đã gắn bò với cái nghề này đã hơn 35 năm. Đối với ông, nghề rèn không chỉ là nghề sinh nhai mà đó còn là máu thịt, là truyền thống của gia đình.
Hiện nay, rèn làng Vực nói riêng cũng như các làng nghề truyền thống khác nói chung đang ngày bị mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền, chính vì vậy, cần xây dựng một chiến lược phát triển bền vững cho các làng nghề. Theo các nhà chuyên môn, phát triển và bảo tồn làng nghề phải gắn liền với phát triển du lịch, mục đích là biến các làng nghề thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn nằm trong lộ trình của khách du lịch khi đến Huế. Mặt khác, cần mở rộng thị trường, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm thủ công truyền thống. Muốn thực hiện được những bước đột phá mang tính chiến lược trên, rất cần sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và các ngành liên quan.
Theo huongthuy.thuathienhue.gov.vn