Nhân buổi xuân về, tôi tản mạn đôi ý kiến về một nền nông nghiệp cho thành phố nhân văn trong tương lai.
Cho đến nay không ai có thể phủ nhận được nét đẹp của bản sắc văn hóa Huế do giới quý tộc thời Nguyễn tạo nên. Đời sống của giới quý tộc ấy tập trung trong các phủ phòng, các dinh thất. Mà các phủ phòng, dinh thất luôn luôn được dựng lên trong một khu vườn. Khi nói đến vườn là động đến cây cảnh, hoa trái, tức là liên quan đến nông nghiệp. Cho nên nói đến văn hóa Huế mà không đề cập đến nông nghiệp Huế là phiến diện. Thực tế đang diễn ra cho thấy hằng ngày khách du lịch đến Huế tham quan nhà vườn Phủ bà Công chúa Ngọc Sơn (31 Nguyễn Chí Thanh, P. Phú Cát), vườn An Hiên (51 Nguyễn Phúc Nguyên, P. Xuân Long) nhiều hơn vào các Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng ở ngay trong trung tâm thành phố.
Ngày nay các khu nhà vườn may ra còn giữ được ở các lăng vua Nguyễn, đặc biệt là các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, còn các khu vườn từng gắn với các Phủ, Phòng, dinh thất đã bị xé nhỏ bán cho các chủ mới xây nhà, xây biệt thự. Con đường từ Đập Đá về Vỹ Dạ có “Vườn ai mướt quá xanh như ngoc” (Hàn Mặc Tử) đã thay bằng hai dãy phố lầu tạp-pí-lù có thể tìm thấy ở bất cứ một Huyện lỵ nào trên toàn cõi Việt Nam. Vườn cảnh gắn với các kiến trúc biệt thự dùng làm công sở của người Pháp để lại hầu như biến mất. Sân vườn các cơ quan dựng lên các hàng quán nhếch nhác. Điển hình nhất là Câu lạc bộ Thể thao 11 Lê Lợi và Hội Văn Nghệ TTH 26 Lê Lợi. Khách sạn Morin ngày xưa có sân vườn rất đẹp. Ngày nay sân vườn cũ bị phá dựng lên nhà hàng và xây bể bơi. Hầu như tất cả các các công trình mới xây dựng trên Thành phố Huế đều nghĩ đến sân mà không quan tâm đến vườn. Nếu tình hình đó tiếp tục sẽ biến bộ mặt thành phố Huế trở thành một thành phố tỉnh lẻ giống như bất cứ một thành phố tỉnh lẻ nào vừa mới lên đời trong mấy mươi năm qua. Huế Thành phố vườn chỉ còn lưu trong kho tàng chuyện cổ tích mà thôi.
Người Huế gần gũi với cỏ cây - chiếc dù kép lá sen. Ảnh Việt Nam L’ Invitation, Nxb Terre Bleue, Paris 1994.
Nếu muốn giữ “Huế - bài thơ đô thị tuyệt tác”, Hội đồng Nhân dân nên đưa ra quyết định tháo gỡ các công trình phụ xây dựng trên các sân vườn cũ, trả lại mặt bằng để các cơ quan phục hồi lại sân vườn vốn có của mình. Các cơ quan chức năng khi phê duyệt thiết kế các kiến trúc xây dựng mới trên thành phố Huế nên khuyến khích quan tâm sân vườn, cây xanh. Ngay cả mặt tiền nhà phố người ta vẫn có thể xây dựng những “vườn treo” để có hoa lá quanh năm. Thành phố Venise của Ý không có đất, chỉ có nước nhưng không nơi nào không có có hoa đẹp, không có cây cảnh đẹp treo, móc trên tường rào, trên các cao ốc, các phố lầu. Các khách sạn, muốn có nét Huế cần phải quan tâm đến sân vườn. Hằng năm địa phương nên tổ chức các cuộc thi nhà vườn đẹp, cơ quan có sân vườn đẹp, tổ dân phố đẹp - phường có nhiều sân vườn đẹp. Nếu tất cả các cơ quan, các gia đình quan tâm đến vườn nhà, vườn cơ quan thì ngành nông nghiệp Huế có khối khách hàng để phục vụ.
Trong nền nông nghiệp cũ, Huế đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu nổi tiếng: Sen Hồ Tịnh Tâm, Nhãn Phụng Tiên, Quýt Hương Cần, Thanh trà Nguyệt Biều, Dâu Truồi, Bắp Cồn Hến,v.v. Trong tình hình kinh tế hội nhập hiện nay, hàng trăm khách sạn ra đời, hàng trăm ngôi chùa, hàng chục quán ăn chay, ngoài những sản phẩm cũ, còn cần một lượng lớn về hoa, rau, củ, quả sạch, Thế nhưng phần lớn các loại hoa, rau xanh (légumes) “cao cấp” ấy đều nhập từ Đà Lạt hay từ Hà Nội. Phải chăng ở Huế và vùng ngoại thành không sản xuất được các sản phẩm ấy sao? Đâu đến nỗi. Tôi đã đi theo nhiều đoàn khách du lịch tham quan các vườn rau xanh ở dọc bờ thành phía bắc Kinh thành Huế, ở xã Quảng Thành, xã Quảng Thọ rất tốt kia mà! Vì sao nghề trồng hoa, trồng rau xanh của Huế chưa chiếm lĩnh được thị trường ngay chính trên quê hương của mình như thế? Phải chăng do thổ nhưỡng, con người hay do chính sách, do quan điểm xem nhẹ vai trò của nông nghiệp trong thành phố văn hóa, du lịch chăng? Hay thiếu tư duy nông nghiệp phục vụ văn hóa du lịch trong hoàn cảnh mới? Tôi không thể tự giải đáp được những câu hỏi nầy.
Thành phố Huế hiện nay không có Phòng Nông nghiệp. Có lẽ thành phố thấy thành phố không có ruộng để trồng lúa, không có đất để trồng khoai sắn, rau xanh nên không tổ chức Phòng Nông nghiệp làm gì (?). Nếu các huyện ngoại thành cắt thêm cho thành phố Huế vài ngàn hec-ta đất ruộng nữa thì chắc chắn Thành phố Huế phải lập lại Phòng Nông nghiệp thôi. Nhưng có thêm ruộng đất, lập lại Phòng Nông nghiêp đi nữa mà vẫn với tư duy cũ lấy cây lúa, khoai sắn làm gốc, thì cái sự nghiệp nông nghiệp của cái phòng Nông nghiệp ấy chỉ vừa đủ ăn là may lắm rồi chứ nói gì đến chuyện đóng góp một chút gì cho sự nghiệp phát triển chung của Thành phố!. Như thực tế đã cho thấy sản xuất lúa gạo thua lỗ, nhiều địa phương có thế mạnh về nông nghiệp – ví dụ như tỉnh An Giang, nông dân trả ruộng đất cho nhà nước. Như thế thành phố văn hóa du lịch cần gì nông nghiêp theo kiểu cũ ấy! Nhưng nếu đưa hai nhu cầu trên (nhà vườn và hoa, rau củ quả sạch cho thành phố nhân văn) vào cuộc sống thì vai trò của nông nghiệp vô cùng quan trọng, có khối việc để làm, góp phần xây dựng bộ mặt nhân văn đẹp, tươi mát cho Huế.
Để có thể thực hiện được hai nhu cầu trên, ngành nông nghiệp phải quy hoạch đất vườn sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu của thành phố văn hóa du lịch, vườn hoa, vườn rau, vườn cây ăn trái cũng có thể là nơi tham quan của khách du lịch. Ví dụ đến mùa, khách du lịch có thể đến tham quan và ăn Thanh trà ngay tại vườn Thanh trà. Bên cạnh sản xuất theo truyền thống trồng hoa cắt cành, trồng hoa trong chậu, nay quan tâm đên trồng hoa cao cấp trong các bồn, chậu nhỏ có móc treo phục vụ nhà phố và phố lầu, hàng rào trong đô thị; sản xuất nhiều khóm tre, cây cảnh, cây con, thảm cỏ bán cho các cơ quan, nhà tư lập vườn mới hoặc xây dựng các vườn cảnh trong các lễ hội, các Festival thường xuyên tổ chức ở Huế. Ngành nông nghiệp “công nghệ hóa” canh tác một số hoa trái tiêu biểu và đăng ký thương hiệu để bán cho khách du lịch, cho các siêu thị, và có thể xuất khẩu. Và cũng không ai thay được ngành nông nghiệp chọn giống cây xanh sạch, đẹp phù hợp với thổ nhưỡng khi hậu Huế trồng dọc theo các đường phố cũ và mới. Trước đây Huế nổi tiếng với hai hàng long não dọc theo đường Lê Lợi bên bờ nam sông Hương. Ngày nay sau gần 40 năm đất nước hòa bình thống nhất, ở Huế chưa thấy xuất hiện một con đường nào có cây xanh đẹp nổi tiếng cả.
Làm nông nghiệp xưa nay được mất là nhờ trời. Cây trồng vật nuôi luôn bị tác động bởi thời tiết, mưa lạnh, nắng nóng, lụt bão. Không một nơi nào trên thế giới nhà nông được trời chìu cả. Muốn thành công nhà nông phải “chìu trời”, canh tác thuận theo thời tiết, phải có phương tiện chủ động che chắn nắng mưa, phải tạo được độ ẩm, ánh sáng khi có sự thay đổi thời tiết bất thường. Nông dân Thành phố Đà Lạt đã bắt đầu sản xuất hoa trái theo “công nghệ” mới nầy. Và Đà Lạt tự hào là Thành phố hoa.
Thành phố Huế muốn giữ và phát triển “bài thơ đô thị tuyệt tác” không thể thiếu bàn tay của nông dân. Nhưng lãnh đạo nông dân Huế thời hội nhập nầy cần phải có kiến thức, có văn hóa, biết mình phải làm gì để giữ và phát huy thế mạnh “Bài thơ đô thị” và thu được tiền của thiên hạ, để cho bốn biển năm châu đến Huế “đi thì nhớ, ở thì thương”.
Mở rộng ra, Huế phải có một nền nông nghiệp đặc thù bền vững mới bảo vệ được môi trường cảnh quan của Thành phố nhân văn có Cố đô Huế.
Không rõ ý tưởng đầu năm của tôi có được phần nào đáng quan tâm không? Nếu thấy nó quá viễn vông xin quý bạn đọc xem như vừa thổi một cái bong bóng bay vậy.
Theo Nguyễn Đắc Xuân ( khamphahue.com.vn)
|