Hội thảo “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương - nhiệm vụ và giải pháp” nhằm để nghe các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành đóng góp ý kiến về công tác quy hoạch đô thị, bảo tồn, phát huy các giá trị kiến trúc, cảnh quan, môi trường… Qua đó, định hướng quy hoạch chi tiết cho từng khu vực ở hai bờ sông Hương, góp phần phát triển đô thị Huế bền vững, vừa được tỉnh TT-Huế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức cuối tháng 4.
Bàn cách ứng xử với dòng sông di sản
Ông Ohn Yeong Te - Quản lý dự án của đơn vị tư vấn Hàn Quốc cho biết, phạm vi quy hoạch sông Hương dài khoảng 15km, bắt đầu từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, chiều rộng hai bên bờ sông 100m, diện tích nghiên cứu thực hiện trong khoảng 365ha. Khu vực trên, hiện đang có nhiều công viên, công trình kiến trúc ven sông, một số làng cổ, làng nghề, phố xá, chợ và các đảo nổi trên sông… Phương án quy hoạch phải dựa vào đặc điểm tự nhiên của sông Hương và đô thị Huế làm nền tảng để thực hiện quy hoạch chi tiết cho từng khu vực. Qua đó, thành lập phương án phát triển hai bờ sông Hương như quy hoạch sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, thiên tai, môi trường. Quy hoạch chi tiết, dọc sông Hương sẽ hình thành không gian du lịch liên tục và xây dựng mạng lưới giao thông đường thủy; ở khu vực thượng nguồn sẽ bảo tồn các khu vực phân bổ di sản văn hóa, nguồn nước; khu vực qua TP Huế, nhất là đoạn Kinh thành Huế sẽ liên kết với mảng công viên hai bờ sông hiện có, kiến trúc kinh thành và hạn chế chiều cao các công trình ven sông; mở rộng và phát triển đô thị ở khu vực hạ lưu.
Nói về quy hoạch hai bờ sông Hương, KTS Lã Thị Kim Ngân - Hội KTS Việt Nam cho rằng, thực hiện quy hoạch từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh dài khoảng 15km là hợp lý, nhưng bề rộng không nên giới hạn 100m mà nên giới hạn đến các đường đi sát bờ sông. Quy hoạch cũng cần sắp xếp trục không gian cảnh quan tự nhiên gắn với hệ thống di tích lịch sử văn hóa Huế và trục không gian cảnh quan đô thị Huế cũng như xác định không gian văn hóa trọng tâm của tỉnh và khu vực có tầm quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh TT-Huế.
Theo GS Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, quy hoạch hai bờ sông Hương ở đây nên hiểu là để bảo tồn, để phát huy bằng các biện pháp điều tiết, chỉnh trang, cải tạo và hoàn thiện. Quy hoạch, không để xây cất thêm những công trình đồ sộ như khách sạn Century, chợ Đông Ba mới. Ở phía Bắc nên tính tới việc giải tỏa bãi xe, dãy phố đến cửa Thượng Tứ, nhằm tạo sự kết nối kinh thành với bờ sông Hương. Hệ công viên vườn hoa từ cầu Tràng Tiền đến chùa Thiên Mụ là một mảng cảnh quan phù hợp và cần củng cố thêm. Ở bờ phía Nam, nên duy trì các kiến trúc Pháp nay còn lại thưa thớt, không xây cất thêm công trình mới, tìm cách nối liền các mảng vườn hoa công viên. Việc xây dựng mới ở bờ Nam, mật độ cao, công trình đồ sộ, đường sá mở rộng đột ngột. Sự cân bằng hình thái của đô thị - di sản có nguy cơ tan vỡ nhãn tiền. “Ở Việt Nam ta không có con sông nào được ứng xử văn hóa đến mức tự nhiên như với sông Hương ở Huế”- GS Hoàng Đạo Kính khẳng định.
Quy hoạch cần phải hài hòa
Quy hoạch chung TP Huế tầm nhìn đến năm 2050 xác định “xây dựng đô thị thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên để đưa Huế trở thành đô thị môi trường kiểu mẫu” theo định hướng phát triển không gian đô thị xác định cấu trúc không gian dọc hai bên bờ sông Hương. Mục tiêu của quy hoạch phải làm nổi bật đặc trưng hình thái không gian của từng khu vực trong mối liên kết với các thành phần cấu trúc đô thị mà sông Hương là trục không gian chi phối các nguyên tắc tạo hình đô thị.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng - chuyên gia quy hoạch đô thị (Singapore) cho rằng, quy hoạch sông Hương cần phải tuân thủ 6 bước. Phải có mục tiêu rõ ràng, có tầm nhìn dài hạn; giải pháp nguyên thủy từ Huế và của Huế chứ không “nhập khẩu” từ nơi khác; cân bằng giữa giải pháp xây dựng và cảnh quan tự nhiên, cân bằng giữa các dự án phát triển dọc bờ sông và các công trình hiện hữu; công tư cùng thực hiện và cộng đồng cùng tham gia quy hoạch.
ThS.KTS Hồ Viết Vinh - giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã đưa ra 4 nguyên tắc. Thứ nhất, tổ chức không gian hai bên bờ sông phải đảm bảo tính nhất thể không gian và mối liên hệ tương hỗ giữa hai bên bờ sông; Can thiệp cảnh quan hai bên bờ sông Hương theo nguyên tắc thích ứng di sản; Làm sống lại cấu trúc đô thị phong cảnh đặc trưng duy nhất của Việt Nam và thay thế phương pháp tiếp cận quy hoạch phù hợp với đô thị di sản lịch sử. Giá trị của dòng sông - đô thị di sản không nằm ở chỗ lấp đầy các khoảng trống mà chính là độ thâm sâu chất chồng giá trị của các thành phần cấu trúc không gian đô thị hình thành qua hơn 700 năm.
Theo ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, Dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do KOICA tài trợ là cơ hội lớn cho TP Huế và tỉnh TT-Huế có được một quy hoạch khoa học, chi tiết nhằm phát huy được các giá trị kiến trúc, cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử… Qua Hội thảo các nhà nghiên cứu, các GS đầu ngành đã đóng góp nhiều ý kiến quý giá để các chuyên gia và cơ quan xây dựng quy hoạch nghiên cứu hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương sớm triển khai dự án.
Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tài trợ 6 triệu USD để thực hiện quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, với mục tiêu thiết lập quy hoạch phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế, mang tính bền vững của một TP văn hóa và du lịch.
Theo Trí Đức (Báo Xây Dựng)