Sau hơn hai năm mở cửa trở lại đón khách, Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) vẫn trong cảnh đìu hiu. Tương lai của điểm du lịch vốn rất nổi tiếng này vẫn đang mờ mịt.
Chiếc xe 14 chỗ chở chúng tôi chạy khá nhanh từ chân núi lên đỉnh Bạch Mã, cảm giác an toàn hơn nhiều so với trước đây. Tuyến đường dài 17km này đã được mở rộng lên 6m để hai ôtô có thể tránh nhau dễ dàng.
Khu nghỉ mát vắng vẻ giữa mùa hè
Đường lên thuận tiện, những tuyến khám phá rừng rất hấp dẫn, hệ thống suối thác liên hoàn, cảnh sắc kỳ thú, nhưng chỉ mỗi đoàn chúng tôi ngủ lại trong đêm. Người phục vụ bảo những ngày giữa tuần chẳng có khách nào. Hằng ngày một số đoàn khách lên tham quan đỉnh núi, dạo xuống thác Đỗ Quyên rồi về, thỉnh thoảng mới có khách lưu trú.
Toàn bộ điểm du lịch một thời nổi tiếng này chỉ còn ba biệt thự mở cửa đón khách với 21 phòng. Bảy ngôi biệt thự khác cổ kính, sang trọng, tuyệt đẹp nhưng khóa cửa im lìm, ngoại thất lẫn nội thất đang xuống cấp. Những con đường mòn đi dạo nhiều chỗ sạt lở. Hệ thống lan can sắt của tam cấp dẫn xuống thác Đỗ Quyên bị gãy đổ...
Bạch Mã được người Pháp phát hiện vào năm 1932, đến năm 1945 trở thành thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng với 139 biệt thự. Sau nhiều thăng trầm, năm 2001 vườn quốc gia này bắt đầu mở đón khách khám phá rừng. Mười biệt thự được phục hồi, khai thác với hơn 60 phòng nghỉ. Du lịch Bạch Mã dần định hình và nhanh chóng thu hút khách. Từng có năm khách đến nườm nượp, thường xuyên kín phòng.
Năm 2009, vườn quốc gia này quyết định đóng cửa, đầu tư 80 tỉ đồng để mở rộng tuyến đường lên đỉnh. Suốt bốn năm đóng cửa, nhiều biệt thự không được sửa sang, để hư hỏng, xuống cấp. Sau khi mở cửa trở lại (tháng 4/2013), ban quản lý vườn đứng ra tổ chức khai thác du lịch nhưng thiếu tính chuyên nghiệp nên giao lại cho một công ty du lịch ở Huế. Công ty này cũng hoạt động ì ạch nên du lịch ở đây chỉ ở trạng thái cầm chừng, gần như “bí mật” đối với thị trường du lịch tại miền Trung cũng như ở Huế...
Ông Đinh Mạnh Thắng, chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thừa Thiên - Huế, nhận xét việc đầu tư mở rộng đường lên Bạch Mã kéo dài khiến thương hiệu Bạch Mã hầu như bị biến mất trên bản đồ du lịch. Đã vậy, sau khi mở cửa đi vào khai thác lại chẳng có động thái quảng bá hay thông báo đối với du khách và các đơn vị lữ hành, dẫn đến tình trạng Bạch Mã ế ẩm và vắng khách.
Săn ảnh trên đỉnh Bạch Mã
Kén nhà đầu tư
Theo quy hoạch du lịch quốc gia, Bạch Mã là một trong sáu điểm du lịch của vùng Bắc Trung bộ. Nhưng Bạch Mã lại là vườn quốc gia (thuộc Bộ NN&PTNT) với nhiệm vụ chính là bảo tồn thiên nhiên, một thiên nhiên quý hiếm với rừng nguyên sinh hàng triệu năm tuổi và nhiều loài động thực vật đặc hữu nên đòi hỏi một cách khai thác du lịch cao cấp, thu nhiều tiền nhưng không đón nhiều khách. Nhà đầu tư phải thật sự yêu thiên nhiên và kiên nhẫn chờ vốn sinh lãi. Đó là lý do mà du lịch Bạch Mã đến giờ này vẫn còn đìu hiu.
Từ một năm nay, theo hình thức liên kết, Vườn quốc gia Bạch Mã giao cho Công ty dịch vụ du lịch Thanh Tâm (Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế) đầu tư khai thác du lịch. Ngoài nâng cấp ba biệt thự (Đỗ Quyên, Kim Giao, Bảo An) và xây dựng trung tâm hội nghị 200 chỗ, công ty này có kế hoạch biến Hải Vọng Đài và khu nhà đầu đường vào thác Đỗ Quyên thành điểm ngắm cảnh và khai thác dịch vụ... Tuy nhiên, hợp đồng liên kết chỉ có giá trị trong vòng 10 năm nên nhà đầu tư này vẫn còn chần chừ chưa xây dựng nhiều hạng mục.
Ông Nguyễn Vũ Linh, phó giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, cho biết khu vực được phép khai thác dịch vụ gần 300ha nhưng mới chỉ khai thác một phần nhỏ. Còn nhiều khu rộng lớn, rất có tiềm năng đang được kêu gọi đầu tư dịch vụ du lịch cao cấp. Theo ông Linh, thời gian qua vườn quốc gia này đã tiếp nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài, nhưng đơn vị nào đến cũng e ngại. “Nhiều nhà đầu tư đến nhòm ngó Bạch Mã chỉ để hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh mà thôi. Thực tế họ nhắm vào những khu vực khác để đầu tư dễ sinh lợi hơn” - ông Linh nói.
Ông Huỳnh Văn Kéo - giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã - lý giải thêm: khí hậu Bạch Mã rất khắc nghiệt, lượng mưa bình quân 9.000 mm thuộc hàng cao nhất thế giới. Thời gian khai thác chỉ từ 4 - 5 tháng. Mưa nhiều, độ ẩm cao khiến hệ thống hạ tầng sau một kỳ “ngủ đông” dài nhanh xuống cấp phải đầu tư phục hồi rất tốn kém. Mặt khác, quy chế khai thác vườn quốc gia rất nghiêm ngặt về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, tiếng ồn, vệ sinh môi trường và điều kiện kinh doanh... Đó cũng là lý do để các nhà đầu tư e ngại.
Đà Lạt giữa miền Trung
Ngoài khí hậu ôn hòa, được xem là “Đà Lạt giữa miền Trung”, Vườn quốc gia Bạch Mã còn có giá trị đa dạng sinh học nổi bật với 1.715 loài động vật, trong đó có 15 loài đặc hữu (chỉ riêng vùng rừng này có); 2.373 loài thực vật với 204 loài đặc hữu. Có hai loài ong cùng năm loài thực vật mới phát hiện đầu tiên và đặt tên Bạch Mã. Ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện có một nhà tư vấn của Hong Kong đã đến khảo sát, phác thảo một số phương án và kêu gọi các nhà đầu tư khác ở Hong Kong, Đài Loan cùng liên doanh đầu tư du lịch Bạch Mã. Đồng thời, một nhà tài trợ trong nước đã đồng ý giúp tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể du lịch Bạch Mã (thay cho quy hoạch cũ không còn phù hợp). Nhà tài trợ này sẽ đưa chuyên gia quốc tế đến Bạch Mã khảo sát để xây dựng quy hoạch, dự kiến hoàn thành trong quý 3/2015. |
Theo Thái Lộc (Tuổi Trẻ Online