Doanh thu du lịch của tỉnh đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2014.
Festival Nghề Truyền thống Huế lại đúng vào dịp 30/4-1/5 nên khách du lịch đổ về đông hơn, có hơn 100.000 lượt khách lưu trú, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2014.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức hai đợt kích cầu "Tuần lễ Vàng du lịch tại Di sản Huế," gồm đợt 1 từ ngày 22-28/4 và đợt 2 là 15-21/6.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã đón gần 1,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 1/2 khách du lịch nước ngoài. Doanh thu du lịch đạt hơn 100 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Ngoài việc giảm vé cho khách tham quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục duy trì và tăng cường thêm một số hoạt động tại Đại Nội và các lăng: Lễ đổi gác, chương trình ca Huế hàng ngày tại cung Trường Sanh; biểu diễn Đại nhạc hàng ngày tại sân Thế Miếu; biểu diễn Tiểu nhạc hàng ngày tại sân điện Thái Hòa.
Ngoài ra, du khách còn được thưởng lãm các cuộc trưng bày, triển lãm tại Đại Nội (cung Diên Thọ, Tả Vu, Duyệt Thị Đường) và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Lần đầu tiên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức dạ tiệc Hoàng cung chào đón gần 1.000 khách của tàu biển Celebrity Century du lịch đến Huế.
Đây cũng là cơ hội quan trọng để Thừa Thiên-Huế quảng bá chương trình dạ tiệc Hoàng cung - một sản phẩm du lịch mới lâu nay chỉ chuyên phục vụ trong các kỳ Festival Huế.
Chương trình đón khách bắt đầu từ cửa Ngọ Môn đến sân điện Cần Chánh trong không gian lung linh với ánh sáng nghệ thuật sống động về đêm, cùng nhiều hoạt động cung đình khác được mô phỏng, như các trò chơi cung đình, biểu diễn Nhã nhạc cùng nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống cung đình khác làm say lòng du khách.
Dưới triều Nguyễn, điện Cần Chánh là nơi tổ chức nghi lễ thiết triều vào một số ngày cố định trong tháng, là nơi đón tiếp các sứ bộ quan trọng hoặc tổ chức các buổi tiệc mừng khánh hỷ.
Hiện nay, đây là không gian lý tưởng để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức các dạ tiệc cung đình có quy mô lớn, nhằm khai thác không gian về đêm của Đại Nội, nhất là kết nối các công trình Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Dực lang và các Trường lang…
Từ nay đến cuối năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch như: hoàn thành tuyến đường Điện Biên Phủ phục vụ tuyến tham quan các di tích ở phía Tây Nam thành phố Huế; triển khai đúng tiến độ các công trình tu bổ di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, địa phương này cũng đang xây dựng, tiếp tục hoàn thiện đường hầm đèo Phước Tượng và Phú Gia, bến thuyền khai thác tour đầm phá; duy trì và nâng cao chất lượng các chuyến bay charter flight (chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách của một hãng lữ hành) theo đường bay Bangkok-Huế.
Tỉnh cũng mở ít nhất 6 chuyến bay trực tiếp đưa khách du lịch từ Bangkok (Thái Lan) đến Huế và ngược lại; triển khai các chương trình xúc tiến, đầu tư, quảng bá du lịch tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Hội chợ KOTFA (Hàn Quốc), JATA (Nhật Bản)./.