Kinh tế và phát triển
Hướng đi nào cho các nghề truyền thống huyện A Lưới
08:52 | 08/10/2015

Phát triển nghề nông thôn là một trong những nội dung lớn của các địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Hướng đi nào cho các nghề truyền thống huyện A Lưới
Zèng A Lưới tham gia sự kiện thời trang tại Nhật

 

A Lưới đã từng có rất nhiều nghề truyền thống như đan lát mây tre truyền thống, điêu khắc thủ công mỹ nghệ, dệt Zèng - thổ cẩm truyền thống và sản xuất chổi đót, tăm, đũa tre, hương... Tuy nhiên, để phát triển các nghề nêu trên thành một làng nghề quy mô lớn, thật sự mang lại hiệu quả kinh tế….còn là cả một vấn đề.

Các nghề đan lát mây tre truyền thống, điêu khắc thủ công mỹ nghệ, dệt Zèng - thổ cẩm truyền thống … nhiều thời điểm đã khá phát triển, đóng góp một phần không nhỏ vào việc giải quyết lao động ở nông thôn, tạo ra được nhiều mặt hàng phục vụ người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, hầu hết các nghề nêu trên chỉ phát triển cầm chừng bởi không chủ động được nguồn nguyên liệu, giá cả tăng cao, trong khi đầu ra khó khăn. Việc phát triển còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vấn đề tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn.

Hội thảo tìm phương pháp kết nối thị trường và tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển ngành nghề truyền thống cho người khuyết tật tại Trụ sở các Hội đặc thù

Thời gian gần đây, thổ cẩm Zèng là một trong những sản phẩm được huyện đầu tư nhiều, đặc biệt là hỗ trợ phát triển nghề và quảng bá giới thiệu sản phẩm. Đây cũng là một mặt hàng được kỳ vọng sẽ tạo thành sản phẩm du lịch mũi nhọn, bởi dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống lâu đời của các huyện miền núi A Lưới và là nét văn hóa không thể tách rời của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tín hiệu đáng mừng là thổ cẩm A Lưới đã được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong nước và Quốc tế, được các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng chú ý và coi là sản phẩm đặc sắc kết hợp trong thời trang hiện đại. Nhờ đó, thời gian gần đây, đơn đặt hàng sản phẩm này cho các hợp tác xã tăng cao. Tuy nhiên, nhiều đơn đặt hàng lớn cần hoàn thành trong thời gian ngắn, các hợp tác xã không đảm đương được.

Dệt Zèng thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới có mặt trong các sự kiện thời trang Quốc tế

Hoa hậu Ngọc Hân trong trang phục Zèng truyền thống của các dân tộc huyện A Lưới

Nguyên nhân nào làm cho các nghề bị “chững” lại, chưa phát triển như kỳ vọng. Phải chăng đó là do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ nên chưa phát huy được hết tiềm năng của địa phương; hoạt động sản xuất cũng theo kiểu tự phát nên kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả chưa cao; lao động chưa qua đào tạo nên chất lượng lao động thấp, số lượng nghệ nhân và người có tay nghề cao còn ít và đã nhiều tuổi; sản phẩm đơn điệu và chưa xây dựng được thương hiệu; chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm thường xuyên và ổn định…

Thực tế cho thấy, các nghề truyền thống trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa phát triển. Để đưa các nghề truyền thống thoát khỏi tình trạng khó khăn, thiết nghĩ cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho các nghề, phát triển thành làng nghề truyền thống. Xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Đồng thời, gắn phát triển nghề với khai thác tốt tiềm năng du lịch, lấy du lịch làm động lực để kích thích, bảo tồn và phát huy giá trị của các nghề, tạo việc làm mới và nâng cao thu nhập cho người dân nhằm vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa mở hướng đi mới bền vững cho các ngành nghề truyền thống ở địa phương. Sản phẩm là yếu tố mang tính sống còn của các ngành nghề. Phải tạo ra những sản phẩm phù hợp, mẫu mã và hình thức đẹp mắt, thu hút được người tiêu dùng. Ví như, chúng ta mất một hai tháng để làm những sản phẩm thổ cẩm Zèng có giá trị từ 500 - 700.000 thậm chí 2.000.000 đồng, trong khi khách du lịch chỉ cần những sản phẩm nhỏ nhỏ, xinh xinh với mức giá vừa phải….

Để phát triển các nghề truyền thống của địa phương, các cấp các ngành, nhất là Kinh tế - Hạ tầng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính – Kế hoạch và các đơn vị liên quan…cần tham mưu tốt hơn nữa cho UBND huyện để có những giải pháp và định hướng đúng đắn, từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm lối đi bền vững cho các nghề, phát triển làng nghề, góp phần giữ gìn những nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và nhất là để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Được biết, hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo xây dựng Đề án củng cố và phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Hi vọng rằng, thời gian tới, các nghề truyền thống của huyện miền núi A Lưới sẽ phát triển, tạo nên một diện mạo mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, thủ công mỹ nghệ và cả du lịch…

Theo Hà Thiên  ( aluoi.thuathienhue.gov.vn)
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng