Trong 5 năm, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ ở Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khả quan
Theo đó, qua 5 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đào tạo được 20.085 lao động, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó: lĩnh vực nông nghiệp: 3.768 lao động (chiếm tỷ lệ 18,76%), phi nông nghiệp:16.317 lao động (chiếm tỷ lệ 81,24%); tỷ lệ hoàn thành so với kế hoạch là 107.12%. Cùng với quá trình thực hiện Đề án, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề được tăng cường đầu tư đáp ứng được nhu cầu học nghề đa dạng của lao động, công tác xây dựng và phát triển chương trình dạy nghề ngày càng hoàn thiện. đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề phát triển về cả số lượng và chất lượng. Đặc biệt, thực tiễn quá trình thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã rút ra được một số mô hình đào tạo nghề gắn với viêc giải quyết việc làm hiệu quả và có thể nhân rộng trong toàn tỉnh. Từ kết quả thực hiện 28 mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: trồng rau sạch, trồng nắm rơm, trồng nấm Linh Chi, may công nghiệp, đan ghế nhựa, may áo ki-mô-nô… ở các huyện: Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền; thị xã Hương Thuỷ, Hương Trà, Ban chỉ đạo đã tổng kết đánh giá có mô hình : dạy nghề may công nghiệp theo chương trình đào tạo của các doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Vinatex Hương Trà tại thị xã Hương Trà, Công ty Thiên An Phú tại huyện Phú Vang, Công ty Scavy tại huyện Phong Điền); mô hình dạy nghề trồng rau sạch (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền), trồng nấm Linh Chi (Công ty Cổ phần lâm đặc sản Hương Giang)…là những mô hình hiệu quả và có thể nhân rộng trong thời gian tới.
PV