Kinh tế và phát triển
Bí thư tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ mục tiêu phát triển Cố đô
10:03 | 16/11/2015

Sau khi được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV tín nhiệm tiếp tục bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông Lê Trường Lưu đã chia sẻ với Pháp Luật Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bí thư tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ mục tiêu phát triển Cố đô
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế

Bí thư Lê Trường Lưu cho biết, là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá, được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp, tỉnh ý thức rõ thế mạnh nổi bật của Thừa Thiên Huế là có 4 di sản thế giới được UNESCO công nhận và tôn vinh, gồm Quần thể di tích Cố đô, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ xác định xây dựng Thừa Thiên Huế hướng tới đô thị Di sản, văn hóa, cảnh quan, sinh thái và thân thiện với môi trường. Và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là phải đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di sản này.

Trước mắt sẽ tập trung đầu tư trùng tu các di sản quan trọng nhất trong Đại Nội và Kinh thành gắn liền với việc giải phóng dân cư trong vùng lõi di sản và chỉnh trang đô thị phù hợp với tinh thần Kết luận 48 và Thông báo Kết luận 175 của Bộ Chính trị. Trong 5 năm tới, tỉnh sẽ dành hơn 1000 tỷ đồng để đầu tư cho công việc này.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia khai thác các dịch vụ du lịch gắn liền với di sản. Không ngừng đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư, tạo ra các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch. Trong đó, tập trung xây dựng thương hiệu để xây dựng hình ảnh và biểu tượng của du lịch Huế trong lòng du khách và trên bản đồ du lịch thế giới.

Muốn phát triển phải thu hút đầu tư, nhưng thực tế nhiệm kỳ qua Thừa Thiên Huế chưa tạo được môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư. Tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

- Giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 diễn ra trong bối cảnh những khó khăn và thách thức đều lớn hơn so với dự báo. Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn này, nhiều nét mới trong thu hút đầu tư đã bắt đầu hình thành. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2015, tỉnh đã cấp mới chứng nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn đăng ký  là 77,075 triệu USD, đứng đầu về thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm của cả miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, Huế đã tạo ra được tiếng vang tại thị trường Bangkok nên một số doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan đã đến Huế nghiên cứu đầu tư…

Để thực hiện mục tiêu thu hút bình quân 500-800 triệu USD/năm, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo để hỗ trợ đối với các dự án lớn; rà soát, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các khu vực trọng điểm về kêu gọi đầu tư như Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, các khu, cụm công nghiệp; Vườn Quốc gia Bạch Mã, các khu vực ven biển và đầm phá; hoàn thiện các cơ sở hạ tầng xã hội cho KKT, khu công nghiệp. Cải thiện, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, hấp dẫn bằng những hành động thiết thực. Trong đó, tập trung vào các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan...

Xác định đầu tư cho Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều dự án tại đây hầu như đang bị “đóng băng”. Tỉnh sẽ làm gì để giải quyết tình trạng này?

- Đúng vậy, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tỉnh vẫn tiếp tục khẳng định phát triển KKT Chân Mây – Lăng Cô trở thành đô thị động lực để kết nối đô thị Huế - Lăng Cô – Đà Nẵng, trở thành cực tăng trưởng về phát triển công nghiệp và du lịch của tỉnh.

Có thể nói, không nhiều KKT có được vị trí đắc địa như  Chân Mây - Lăng Cô. Không chỉ ở vị trí địa lý thuận lợi là nằm giữa hai thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng, dễ dàng kết nối với các tuyến giao thông quốc tế và liên vùng, đó là tuyến quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt và cảng Chân Mây là cửa ngõ thông ra biển Đông của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối với các nước Myanma, Thái Lan và Lào. 

Đi đôi với những tiềm năng, thế mạnh đó là sức ép trong việc thu hút đầu tư vào KKT. Chúng tôi luôn trăn trở, suy nghĩ và cảm thấy sốt ruột khi nhìn sang các KKT khác như Dung Quất, Vũng Áng. Với Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh xác định đây phải là KKT phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, không phải bất chấp bằng mọi giá thu hút đầu tư để phát triển. Đến nay, KKT đã có 35 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư 35.682 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án FDI với vốn đăng ký 23.805,7 tỷ đồng. Tôi cho đây là con số không nhỏ nếu so với tổng mức thu hút đầu tư của toàn tỉnh.

Về các dự án chậm tiến độ, dự án “đóng băng”, tỉnh đang chỉ đạo rà soát nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để các dự án tiếp tục được triển khai. Trường hợp nhà đầu tư không còn có khả năng thực hiện dự án thì tỉnh sẽ có lộ trình thu hồi để đón nhà đầu tư mới. Thời gian qua đã thu hồi 9 dự án, riêng năm 2015 đã thu hồi 4 dự án. Một tín hiệu đáng mừng là những tháng đầu năm 2015, Chân Mây – Lăng Cô đã thu hút được 3 dự án với tổng số vốn đăng ký là 8.739 tỷ đồng.

Thưa ông, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn lúng túng, tốc độ phát triển đô thị chậm, giao thông kết nối các đô thị động lực, đô thị vệ tinh chưa đồng bộ là những hạn chế mà nhiệm kỳ qua đã kiểm điểm. Sắp tới tỉnh sẽ làm gì để tồn tại này chuyển biến tích cực?

- Đúng là công tác này đang còn nhiều vấn đề. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện các quy hoạch quan trọng như điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế; hoàn thành các quy hoạch ngành: quy hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại…

Sắp tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch, phát triển đô thị; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, khai thác hiệu quả cảng Chân Mây; tập trung giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện để hoàn thành các tuyến đường giao thông  quan trọng như quốc lộ 1A, đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan; khai thác có hiệu quả các đường bay Huế - Bangkok, Huế - Đà Lạt; xúc tiến để mở đường bay Huế - Nha Trang...

Công tác cán bộ được xem là khâu then chốt nhưng nhiệm kỳ 2010 – 2015 đánh giá hoạt động của bộ máy chính quyền một số nơi còn yếu, chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu… Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất tỉnh, ông sẽ làm gì?

- Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh không ngừng đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức trong việc xây dựng, đề ra các chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ. Thực hiện tốt phân công, phân cấp quản lý cán bộ; dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển và chính sách cán bộ; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số... Tuy nhiên, cho đến nay công tác này vẫn chưa thực sự ngang tầm với nhiệm vụ chính trị, còn thiếu tính chiến lược, bị động.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược ở tất cả các cấp, bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn xa; đồng thời đổi mới công tác đánh giá cán bộ, thí điểm đổi cách tuyển chọn cán bộ vào các chức danh lãnh đạo cấp phòng ở tỉnh; thực hiện tốt chủ trương luân chuyển cán bộ để rèn luyện, thử thách...

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, quyết tâm của Đảng bộ là đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng: “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Vậy tỉnh sẽ tập trung vào những công việc trọng tâm nào, thưa ông?

- Để thực hiện được mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ tỉnh đã đề ra 14 nhiệm vụ và 03 nhóm giải pháp đột phá trong 5 năm tới. Trước mắt, sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đội ngũ chuyên gia đầu ngành; đội ngũ doanh nhân và công nhân lành nghề. Xây dựng cơ chế đặc thù để tuyển chọn, trọng dụng nhân tài.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo để cải thiện cho được môi trường đầu tư, kinh doanh; đổi mới công tác xúc tiến; thực hiện các chính sách ưu đãi, thông thoáng để thu hút đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Ưu tiên tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh và tính đặc thù, nét riêng có của Huế nhằm đẩy mạnh phát triển về dịch vụ có lợi thế như: dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ… Kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, các dự án lớn làm đòn bẩy nhằm tạo ra bước đột phá để xây dựng, phát triển.

Về tổ chức thực hiện: Tỉnh sẽ đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển; vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách của Trung ương để phát huy mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện có hiệu quả, với phương châm “nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả”, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, cùng với ý chí, nguyện vọng và quyết tâm cao của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh, tin tưởng rằng Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Lê Trường Lưu sinh ngày 23/1/1963 tại xã Vinh Thái, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, là thạc sĩ kinh tế, cử nhân hành chính, cao cấp chính trị.
Trước khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Lê Trường Lưu từng là Giám đốc Sở Tài chính, Bí thư Thị ủy Hương Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế.


Theo Quang Tám (http://baophapluat.vn/)

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng