Sau 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Toàn tỉnh đã có 20 xã đạt chuẩn....
Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn đạt hơn 4.584 tỷ đồng.
Bình quân đạt 15,16 tiêu chí/xã
Bước vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền các cấp và người dân trong tỉnh Thừa Thiên- Huế luôn có được sự đồng thuận cao vì vậy sớm đưa tỉnh này từng bước vượt qua thách thức sớm đạt được kết quả cao.
Ông Hồ Vang- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết sau gần 5 năm triển khai thực hiện, địa phương này đã đạt được những kết quả tích cực trong tổ chức thực hiện, tạo chuyển biến sâu sắc và rõ nét về mặt nhận thức, hạ tầng kỹ thuật, SX.Nhiều địa phương hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
Cụ thể, đã huy động hệ thống chính trị các cấp tham gia vào Chương trình xây dựng NTM; hình thành được bộ máy chỉ đạo, điều hành thống nhất từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, xã, thôn, bản và từng bước đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả. Xây dựng được một số chính sách để triển khai Chương trình và đạt được một số kết quả đáng kể về cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển SX. Số tiêu chí đạt chuẩn tăng đáng kể hàng năm. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn của Thừa Thiên- Huế bước đầu có khởi sắc, thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh năm 2015 ước đạt hơn 23 triệu đồng, tăng 81,6% so với 2010 (12,6 triệu đồng), tốc độ tăng bình quân đạt 12,8%/năm.Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 14,9% năm 2010 còn 5,94 % đến cuối năm 2015,bình quân giảm 1,8 % /năm.
Sau 5 năm, tỉnh Thừa Thiên- Huế có 20 xã (21,7%)hoàn thành 19/19 tiêu chí.Có 33 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 37 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, từ 5 đến 9 tiêu chí chỉ còn 2 xã.Số tiêu chí bình quân/xã đạt 15,16 tiêu chí, tăng 6,7 tiêu chí so với 2010.Đặc biệt không còn xã nào dưới 5 tiêu chí, mặc dù Thừa Thiên- Huế có đến 2 huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới.
Ở Thừa Thiên- Huế đã chú trọng huy động nguồn lực trong nhân dân, góp phần đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM có kết quả tốt.Trong 5 năm thực hiện, người dân đã đóng góp tiền của, đất đai, hoa màu, ngày công trị giá 306 tỷ đồng. Trong đó có hơn 144 ha đất và hơn 379.000 ngày công được đóng góp để xây dựng đường thôn, đường ngõ xóm, nhà văn hoá thôn, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, nhà cửa…Nhiều địa phương đã huy động được nguồn lực của bà con phương xa, của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tham gia xây dựng NTM.
Trong cuộc vận động này, nhiều cá nhân đã đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng đường làng, cổng làng, nhà văn hoá thôn. Điển hình như ông Hồ Huệ, xã Điền Môn, huyện Phong Điền đã đóng góp hỗ trợ gần 10 tỷ đồng xây dựng Trung tâm thương mại xã và các công trình phúc lợi công cộng khác; ông Nguyễn Văn Bí ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền đã đóng góp hơn 01 tỷ đồng xây dựng nhà văn hoá thôn Đông Xuyên và đường thôn xóm; Ông Hoàng Văn Hưởng, Hoàng Hiến ở thôn Hải Phú, xã Phong Hải, huyện Phong Điền hiến hơn 10.000m2 đất xây dựng sân bóng ...
Các nội dung thủy lợi, giao thông, văn hóa, giao dục, y tế đều đạt kết quả khả quan. SXNN được chú trọng đầu tư thâm canh và tổ chức thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với xây dựng NTM một cách bền vững Trong 5 năm,Chương trình xây dựng NTM đã bố trí 19,7 tỷ đồng hỗ trợ phát triển SX, xây dựng được 302 mô hình SX bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ phát triển thương hiệu.
Một số mô hình SX bước đầu có hiệu quả cao và có thể nhân rộng như nuôi bò lai bán thâm canh, nuôi dê, phát triển cây chuối hàng hóa, canh tác bền vững cây sắn, nuôi gà, lợn sử dụng đệm lót sinh học, nuôi xen ghép các đối tượng, nuôi cá đối mục, cá hồng mỹ, nuôi cua sử dụng thức ăn công nghiệp ở vùng đầm phá, trồng rau sạch theo VietGap, trồng nấm, hành lá, ném...Chương trình cũng đã hỗ trợ xây dựng 2 nhãn hiệu hàng hóa là Gạo Hương cốm Thủy Thanh và Rau má Quảng Thọ, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và nâng cao hiệu quả SX.Các mô hình hỗ trợ phát triển SX ở trên đã giúp cho người dân có thu nhập, góp phần giảm nghèo và từng bước vươn lên khá giả.
Đồng thuận tạo nên khác biệt
Phân tích các bài học kinh nghiệm được rút ra sau 5 năm xây dựng NTM,ông Đinh Khắc Đính-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho biết những kết quả đạt được trong thời gian qua gắn liền với sự quan tâm sâu sát, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban chỉ đạo các cấp phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai Chương trình để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cơ sở, từ đó, đề ra những biện pháp tháo gỡ kịp thời, đặc biệt cần chú ý phát huy vai trò Ban chỉ đạo cấp huyện. Đội ngũ tham mưu thực hiện Chương trình ở các cấp phải đủ mạnh, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về xây dựng NTM để nâng cao hiệu quả tham mưu chỉ đạo, điều hành.
Lễ công bố đạt chuẩn NTM cho xã Hương Hòa, huyện Nam Đông Phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch phải xuất phát từ thực tế của địa phương. Đây là khâu mở đầu song cũng là khâu khó nhất đối với các địa phương khi thực hiện chương trình. Nhiều địa phương đã hết sức lúng túng khi xây dựng quy hoạch, có địa phương do lập quy hoạch không sát với thực tế nên khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chỉ trên cơ sở xây dựng quy hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể, thế mạnh của địa phương, xác định đúng những công việc cần thực hiện, việc xây dựng địa phương vững mạnh, theo định hướng NTM thì mới đạt kết quả tốt.
Bố trí ngân sách xây dựng NTM cần phải tập trung, tránh dàn trãi, bảo đảm minh bạch.Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu.
Bên cạnh đó, cần linh hoạt hơn trong công tác thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn. Cụ thể, khi đạt đủ 19/19 tiêu chí, xã chủ động hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị về huyện, tỉnh để được công nhận ở bất cứ thời điểm nào, không nhất thiết phải đợi mỗi năm 1 đợt như quy định trình tự, thủ tục hồ sơ và thời gian xét công nhận theo như quy định hiện nay.
Theo ông Đính, mục tiêu của tỉnh Thừa Thiên- Huế đến năm 2020 sẽ có 01đến 02 huyện đạt chuẩn NTM. Số xã đạt chuẩn NTM từ 52 đến 63 xã /104 xã,đạt tỷ lệ từ 50-60%.Thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 39,6 triệu đồng/ người/năm.Tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,24%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: 83%, tỷ lệ lao động qua đào tạo 70%, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt trên 95% (trong đó, nước sạch đạt trên 90%)....
Theo Báo Nông nghiệp