Từ một phu trầm giải nghệ, ông Trần Quốc Hùng (49 tuổi, ở khu vực 2 phường Thủy Xuân, TP Huế) đã trở thành triệu phú nhờ cần mẫn với nghề trồng cây dó bầu để tạo trầm. Ông chính là người đầu tiên mang cây dó bầu từ rừng già về trồng thành công và giúp nhiều người ở xứ Huế nhân rộng loại cây có giá trị kinh tế này...
Chúng tôi đến thăm vườn dó bầu nằm trên vùng gò đồi Thủy Xuân của ông Hùng vào một ngày cuối tháng Giêng. Ông Hùng kể, Thủy Xuân vốn là vùng đất nghèo khó, vì thế từ những năm 1980 đã có nhiều thanh niên, trai tráng rủ nhau lên rừng tìm trầm mong được đổi đời.
“Năm 1985, tui cũng cơm đùm gạo bới với 10 người khác trong thôn bắt xe đò ra Nghệ An rồi đi ngược lên vùng miền núi phía Tây, sau đó tìm vào những cánh rừng thâm u để tìm trầm. Mỗi chuyến đi như thế kéo dài hơn 1 tháng, nhưng lúc ấy, trầm được thương lái thu mua giá cao nên ai cũng bất chấp, dù có nhiều người phải bỏ mạng giữa rừng”, ông Hùng nhớ lại.
Nghĩ đến cảnh “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nên sau nhiều năm lăn lộn tìm trầm giữa rừng già, ông Hùng quyết định bỏ nghề để chuyển sang làm nghề khác mưu sinh. Biết rõ vùng đất Thủy Xuân có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với việc trồng cây dó bầu, thế là ông đưa những cây dó từ rừng về trồng thử. Sau đó, 2 vợ chồng ông dần dần mở rộng diện tích vườn dó bầu.
Đến nay, sau hơn 30 năm cần mẫn gieo trồng và chăm bón, ông Hùng đã trồng hơn 1.000 cây dó bầu, trên diện tích 1ha; trong đó có hàng chục cây dó nhiều năm tuổi cho hàm lượng tinh dầu cao. Với giá bán thị trường, từ 20-30 triệu đồng/kg trầm chất lượng, bình quân mỗi năm ông Hùng thu về từ 150-200 triệu đồng…
Loay hoay bên cây dó chừng 30 tuổi có thân xù xì do bị đục khoét nhiều lỗ, ông Hùng cho biết: “Những cái lỗ này được tui đục để bơm dầu vào nhằm tạo trầm đấy. Cứ mỗi cây dó trồng đến 7 năm tuổi thì có thể bơm dầu, mỗi năm tui chỉ bơm 1 đợt từ tháng 7 âm lịch và việc dầu bơm vào cây cũng phải đúng liều lượng để tránh trường hợp cây dó bị “sốc” hóa chất và chết”.
Có thời điểm, ông thuê hẳn 12 người thợ đến tách cây dó để lấy tinh dầu trầm bỏ mối cho các thương lái. Ngoài việc làm giàu cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều nhân công ở địa phương, ông còn nghĩ cách nhân giống cây dó để cung cấp cho các hộ dân...
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân cho biết, sau khi ông Hùng trồng cây dó tạo trầm đạt chất lượng cao thì phường mới vận động người dân chuyển đổi sang mô hình trồng cây dó ở vườn đồi. Đến nay, phường có trên 100 hộ dân trồng cây dó tạo trầm đang đến đến kỳ thu hoạch, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Từ đó, phường cũng xây dựng thành công mô hình trồng cây dó bầu gắn với nghề làm hương truyền thống, để tận dụng nguyên liệu trong sản xuất dó trầm mang lại, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương đi lên.