Cần liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương để khai thác lợi thế về tài nguyên du lịch và hơn ai hết Thừa Thiên Huế phải thật sự làm mới du lịch bằng nhiều giải pháp thiết thực hơn…
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu, từ các nhà đầu tư đến nhà quản lý du lịch tại hội nghị hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch Huế do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chiều 1/4/2016.
Hội nghị dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao; ông Hà Văn Siêu, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Việt Nam; Nguyễn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2016 và trên 80 đại biểu là lãnh đạo của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Thừa Thiên Huế.
Thiếu cái mới
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Cao mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp du lịch đến từ các địa phương trong cả nước, bàn cách giúp du lịch Thừa Thiên Huế có sự phát triển mạnh mẽ hơn; thảo luận và xác định các ưu thế, năng lực cơ bản của từng địa phương để quy hoạch, phân công định hướng và phát triển hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng chất lượng cao cho từng địa phương. Đặc biệt là xác định những thế mạnh, ưu thế của Huế, từ đó xác định mục tiêu, sản phẩm chủ lực, phân khúc khách hàng và loại hình du lịch đặc trưng. Thống nhất trong việc xây dựng cơ chế phối hợp, chính sách nhằm thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Hầu hết các đại biểu đều khẳng định vị thế quan trọng của Thừa Thiên Huế đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam, đặc biệt là tiềm năng, thế mạnh du lịch đặc sắc, riêng có. Ông Võ Quang Liên Kha, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Vietravel cho rằng: Sản phẩm chính của Huế chủ yếu mang tính thăm viếng, tham quan đơn thuần và đơn điệu. Những sản phẩm mới lại chưa hoàn chỉnh một cách chuyên nghiệp. Công tác truyền thông cho các sản phẩm du lịch Huế khá manh mún, không có thông điệp truyền thông cụ thể, xuyên suốt.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch VN kiêm chủ tịch Hiệp hội lữ hành Huế cho rằng Huế là một giá trị đặc sắc của Việt Nam, là di sản quí hiếm, đậm đà bản sắc Việt, là địa chỉ hấp dẫn của du lịch Việt Nam nhưng vài năm trở lại đây, du lịch Huế chững lại và thụt lùi so một số địa phương lân cận. Cần đặt câu hỏi vì sao lại như vậy để giải quyết. Lý do được ông Bình đưa ra là Huế chỉ quanh đi quẩn lại là tham quan di sản hết sức đơn điệu mà cả chục năm nay cũng không thay đổi, ở Huế cũng hầu như không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí vào ban đêm nên không giữ chân được du khách.
Cùng nhận định trên, Lê Vũ Trang, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội cho rằng khách đến Huế chỉ thăm đền đài, lăng tẩm, chùa chiền xong là không biết đi đâu nữa, cả mấy chục năm nay vẫn vậy, quá thiếu các điểm vui chơi giải trí. Ngay cả Đại Nội cũng chỉ tham quan chứ không có các dịch vụ bổ trợ để thu hút du khách. Ngoài ra, đề chất lượng khách sạn và dịch vụ chưa tương xứng; đuờng bay đến Huế cũng quá ít nên không có lựa chọn cho du khách vì chuyến bay không cho phép nên khách tham quan xong buộc phải vào Đà Nẵng để có thể chủ động thời gian bay do Đà Nẵng có nhiều chuyến bay.
Theo ông Hà Văn Siêu, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Việt Nam, trước đây, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương dẫn đầu của du lịch cả nước, là điển hình về chất lượng và dịch vụ. Tuy nhiên du lịch Huế gần đây tăng trưởng chậm lại do Huế đang đi vào lối mòn, đơn điệu, ít có sản phẩm du lịch mới trong thời gian dài nên chưa mở rộng được thị trường.
Liên kết và tăng đầu tư
Ông Hà Văn Siêu cho rằng du lịch Thừa Thiên Huế cần làm mới mình. Kêu gọi các doanh nghiệp trong cả nước tăng cường liên kết để đưa khách đến Huế, ông Siêu cũng đề nghị các doanh nghiệp ở Huế cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc tổ chức Festival Huế 2016, hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch tốt hơn ở Pháp, Nhật Bản, Úc; tháo gỡ những khó khăn về cơ chế chính sách, thông thoáng thủ tục xúc tiến đầu tư để tạo ra sự thay đổi cho du lịch Huế. Nếu tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thì xin tỉnh hãy tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho du lịch, ông Siêu nhấn mạnh.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch VietNam Travelmart, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, phải đặt du lịch Thừa Thiên Huế gắn kết với Đà Nẵng và Quảng Nam để tăng cường liên kết giữa 3 địa phương; đồng thời du lịch Thừa Thiên Huế cần xác định rõ đâu là lợi thế để phát triển, trong quy hoạch du lịch, Huế cần hình thành các chuỗi đô thị du lịch biển để phát triển bền vững trong tương lai như Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương. Về thu hút đầu tư, ưu tiên đặc biệt cho các dự án du lịch lớn từ nguồn FDI.
Ông Phạm Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Hà Nội đề nghị Thừa Thiên Huế nên xây dựng sản phẩm du lịch đồng bộ đặt trong sự liên kết với các địa phương, đặc biệt là kết với cả Hà Nội và TP.HCM để khai thác lượng khách quốc tế rất lớn đến từ hai đầu mối này. Ngoài ra cần tăng cường vốn xúc tiến du lịch, tái đầu tư các sản phẩm du lịch, ưu đãi và kêu gọi đầu tư cho du lịch; cần nghiên cức thực hiện từng bước xã hội hóa khai thác di sản Huế trên cơ sở các tiêu chí quản lý, giám sát chặt chẽ.
Theo ông Võ Quang Liên Kha, trước mắt, Thừa Thiên Huế cần đầu tư thêm cho quỹ xúc tiến du lịch ở các sự kiện, hội chợ du lịch trong, ngoài nước và gắn liền với các thị trường có tính khả thi cao, nhằm quảng bá hình ảnh Huế đến du khách quốc tế và tạo cơ hội kinh doanh cho các đơn vị lữ hành. Vietravel sẵn sàng đồng hành cùng Huế trong việc này qua các chuyến tham dự hội chợ thường niên. Đồng thời, tạo sự liên kết đồng bộ giữa các đơn vị làm du lịch ngay tại địa phương cũng như với các địa phương lân cận, giữa vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, tham quan để xây dựng các gói sản phẩm có giá cạnh tranh, chất lượng cao, giới thiệu đầy đủ tiềm năng du lịch của Huế.
Để kéo dài thời gian lưu trú của khách, ông Vũ Đình Quân, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Bến Thành đề xuất: Bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm giải trí, ẩm thực về đêm, tỉnh cần phát triển mạnh du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, tâm linh, nhà vườn, homestay để mở rộng, làm phong phú thêm điểm tham quan, bởi đây là những loại hình du lịch đang rất thu hút du khách. Ngoài ra, cũng cần có chính sách ưu đãi để hình thành các chuyến bay charter.
Một số ý kiến đề nghị phải mở thêm đường bay nội địa và quốc tế đến Huế; hàng không là con đường của du khách và đây lại là bất lợi của Huế. Sau cùng là việc quảng bá cần phải đầu tư tập trung, mạnh dạn chi nhiều tiền để có mặt tại các hội chợ du lịch lớn của thế giới; Thừa Thiên Huế cũng quan tâm đến môi trường du lịch, văn hóa kinh doanh.
Ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham dự hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đề nghị: Cùng với sự cố gắng của cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi mong có sự đồng lòng, đồng sức, quyết tâm của các doanh nghiệp du lịch trong quá trình thực hiện các giải pháp cụ thể. Hy vọng sau hội nghị này sẽ có thêm nhiều cái bắt tay trong việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch ở các địa phương với các điểm đến, dịch vụ của Huế để tạo nên những tour tuyến, sản phẩm mới. Các hãng hàng không sẽ mở thêm đường bay đến Huế... Thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ thành lập Sở Du lịch, chúng tôi mong muốn tuyển chọn bộ máy nhân lực từ nhiều nguồn để đẩy mạnh du lịch phát triển.
Theo thuathienhue.gov.vn