Kinh tế và phát triển
Lộ trình nào cho buýt tuyến Đà Nẵng-Huế?
09:03 | 26/07/2016

Cả hai địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế hiện chưa quy hoạch tuyến xe buýt Đà Nẵng - Huế và ngược lại.

Lộ trình nào cho buýt tuyến Đà Nẵng-Huế?
Tình trạng xe dù, xe trá hình núp bóng tour tuyến du lịch, hợp đồng chạy trên tuyến Đà Nẵng - Huế và ngược lại như tuyến cố định, nhưng chưa được xử lý triệt để (Trong ảnh: xe VIP trá hình HAV công khai chạy các giờ như nốt tài cố định tuyến Huế - Đà Nẵng

Cả hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế hiện chưa quy hoạch tuyến xe buýt Đà Nẵng - Huế và ngược lại. Theo các chuyên gia, nhà quản lý, lộ trình khai thác tuyến xe buýt này cần ưu tiên khuyến khích cho các xe tuyến cố định được chuyển đổi theo tinh thần Quyết định 2288/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT.

Đà Nẵng chưa tính tới buýt liên tỉnh Đà Nẵng - Huế

Theo Quyết định 2288 (Bộ GTVT ban hành ngày 22/6/2015) về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các tuyến cố định có tần suất khai thác lớn, giãn cách chạy xe bình quân 10 - 15 phút/chuyến, cự ly hai đầu bến dưới 100km được định hướng tổ chức các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Việc triển khai quyết định này thời gian qua, khiến thông tin về việc mở tuyến xe buýt Đà Nẵng - Huế và ngược lại được các đơn vị vận tải, quản lý đặc biệt quan tâm.

Theo ông Lê Viết Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng, từ cuối tháng 12/2015, đại diện 12 đơn vị vận tải khai tháctuyến cố định Đà Nẵng - Huế và hai đầu bến có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, hai địa phương, cơ quan chức năng về việc chuyển tuyến xe khách cố định Đà Nẵng - Huế và ngược lại theo đúng tinh thần Quyết định 2288. Thống kê, tuyến cố định Đà Nẵng - Huế hiện có 6 đơn vị vận tải đầu Đà Nẵng và 6 đơn vị vận tải hành khách đầu Thừa Thiên - Huế, với tổng số 81 đầu xe tham gia khai thác. Mỗi ngày, tuyến cố định này hoạt động từ 5h15 - 18h15, khoảng 14 - 15 phút có một xe xuất bến tại hai đầu tuyến… thuộc “hệ tham chiếu” khuyến khích chuyển sang xe buýt.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế cho rằng, hiện cả hai tỉnh, thành này đều chưa có quy hoạch về tuyến xe buýt trên. Tại Văn bản 646/SGTVT-QLVT&PT gửi UBND TP Đà Nẵng (ngày 22/2/2016), ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng phân tích: theo Quyết định 8089 (ngày 19/11/2013 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) về công bố quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng mới tập trung “phủ sóng” phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khu vực nội thành để hỗ trợ hệ thống xe buýt BRT dự kiến đưa vào vận hành năm 2017 và chưa tính tới xe buýt liên tỉnh Đà Nẵng - Huế.

10

Xe khách cố định Đà Nẵng-Huế xuất bến trong cảnh ế ẩm với hầu hết các ghế đều trống

Các địa phương cần bổ sung quy hoạch mạng lưới vận tải công cộng

Tương tự, trong Quyết định 2011/QĐ-UBND (ngày 9/10/2014) của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 mới chỉ quy hoạch tuyến xe buýt Lăng Cô - Đà Nẵng và ngược lại, không quy hoạch tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng. Theo ông Lê Viết Tươi, Phó giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, ở thời điểm lập quy hoạch này, khoảng cách điểm đầu - cuối tuyến xe buýt bị khống chế không quá 60km theo quy định tại Nghị định 91 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Lộ trình mở tuyến xe buýt Đà Nẵng - Huế và ngược lại đòi hỏi các địa phương cần bổ sung quy hoạch mạng lưới vận tải công cộng; dự báo thời điểm phù hợp, giải pháp hiệu quả… Theo lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng, địa phương đang khảo sát, trong tương lai khi dân số tăng, nhu cầu đi lại cao sẽ tính đến quy hoạch tuyến xe buýt trên. Thống kê đầu bến Đà Nẵng, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các xe tuyến cố định Đà Nẵng - Huế khi xuất bến chưa đạt đến 50%, không xảy ra hiện tượng quá tải dù dịp cao điểm lễ, Tết. Trước mắt, cả Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định, có biện pháp nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ trên tuyến cố định.

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Huế cho hay: Thời gian qua, các đầu xe tuyến cố định Huế - Đà Nẵng nỗ lực nâng cấp phương tiện, đầu tư trang thiết bị đảm bảo chất lượng phục vụ. Các xe đang hoạt động hầu hết sản xuất từ năm 2010 đến nay, hệ thống máy lạnh, tivi đầy đủ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Kinh nghiệm hoạt động trên tuyến, chủ động phương tiện của các đơn vị vận tải tuyến cố định khi chuyển đổi sang xe buýt khi được quy hoạch sẽ phù hợp, đạt tính hiệu quả, đảm bảo trật tự vận tải hành khách tối đa.

Xe tuyến cố định “ngắc ngoải” trước vấn nạn xe dù, trá hình

Theo ông Lê Viết Hoàng, chuyển tuyến cố định sang xe buýt là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xe “dù gió”, trá hình, núp bóng du lịch, hợp đồng đang ngày càng phức tạp trên tuyến Đà Nẵng - Huế. Chỉ tính riêng đầu Đà Nẵng, có hơn chục xe dù công nhiên chạy tuyến ra Đà Nẵng. Hàng loạt xe hợp đồng du lịch HAV, Camel, Hưng Thành… “vô tư” chạy trá hình, bắt khách lẻ hoạt động như tuyến cố định.

Theo ông Hồ Văn Tùng, Giám đốc HTX vận tải Hải Vân (đơn vị có nhiều đầu xe khai thác tuyến cố định Đà Nẵng - Huế nhất), tình trạng xe dù trá hình khiến các xe tuyến cố định hoạt động rất khó khăn. Nhiều xe chạy lỗ nhưng phải duy trì để đảm bảo tuyến cố định. Chúng tôi họp các nhà xe, yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo thời gian hành trình… nhưng lượng khách không cải thiện. Mới đây, các chủ xe, doanh nghiệp, xã viên làm đơn kiến nghị tập thể lên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, lãnh đạo thành phố cùng cơ quan chức năng kiến nghị xử lý triệt để nạn xe dù, trá hình; ưu tiên chuyển đổi xe cố định sang xe buýt để ngăn chặn vấn nạn này.

Theo Ngân Hà ( baogiaothong.vn)

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng