Đó là ý kiến kết luận của Trưởng đoàn công tác liên ngành Trung ương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về đánh giá tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển và giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2016 diễn ra vào ngày 25/7.
Tham dự buổi làm việc có đại diện các Bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,04%
Báo cáo của UBND tỉnh cho cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh đạt 6,04%, trong đó khu vực dịch vụ tăng 8,03%; tổng lượng khách du lịch đến Huế đạt gần 1,7 triêu lược, tăng 6,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tên 15.700 tỷ đồng, tăng 8,7%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,3%; khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm 1,02% do ảnh hưởng của sự cố môi trưởng biển; thu ngân sách nhà nước đạt 2.815 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm, tăng 19,8%. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được chăm lo và đảm bảo.
Năm 2016, tổng kế hoạch vốn xây dựng cơ bản toàn tỉnh là 18.700 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm đã thực hiện đạt gần 8.170 tỷ đồng, tăng 8,2%. Trong đó giải ngân khối lượng vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 42,4%, vốn chương trình mục tiêu ngân sách Trung ương đạt 19,7%, vốn chương mục tiêu quốc gia đạt 23,2% kế hoạch, vốn ODA đạt bằng 34%, vốn trái phiếu chính phủ đạt 10% kế hoạch.
Đặc biệt, nhiều dự án được triển khai và đẩy nhanh tiến độ như: nâng cấp mở rộng đường Tứ Phú – Đức Trọng; kè chống sạt lở bờ sông tả Trạch; đường trục chính cảng Chân Mây; dự án KCN Phong Điền – Viglacere; KCN La Sơn; mở rộng hầm đường bộ Hải Vân; đường La Sơn – Cam Lộ; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 49B… góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2016 đã có bước khởi đầu thuận lợi, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhiệm vụ đề ra, công tác giải ngân chưa đảm bảo theo yêu cầu do vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi như suy thoái kinh tế toàn cầu, nguồn vốn vay của doanh nghiệp huy động khó khăn, năng lực các nhà thầu chưa được nâng cao, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn bất cập, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc...
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản
Tại buổi làm việc, phía tỉnh Thừa Thiên Huế và Đoàn công tác liên ngành Trung ương đã tập trung trao đổi, bàn hướng tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, công tác bảo tồn di tích, doanh nghiệp và đầu tư.
Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Thủ tướng Chinh phủ cho phép tỉnh được hưởng một số cơ chế phục vụ công tác trùng tu di tích như được vay vốn từ ngân hàng với cơ chế lãi suất đặc biệt ưu đãi nhằm đẩy nhanh tiến độ bảo tồn, tu bổ, phát huy các giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế; hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện đền bù, tái định cư các hộ dân trong phạm vi khu vực I khoanh vùng bảo vệ di tích.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm định hướng các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tên địa bàn tỉnh, góp phần tạo sức bật cho địa phương nhất là đối với các dự án trọng điểm của tỉnh như Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng biển Chân Mây và các dự án ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các dự án công nghiệp, công nghệ cao; hỗ trợ vốn đầu tư các dự án chống sạt lở, bồi lấp bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đào Quang Thu đánh giá cao kết quả phát triển KT-XH và giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm, nhất là công tác thu ngân sách nhà nước, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó với sự cố môi trường biển; đồng thời lưu ý tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn thuộc chương trình tiêu quốc gia đạt tỷ lệ thấp, cần được quan tâm đẩy nhanh trong thời gian tới.
Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Đào Quang Thu đề nghị tỉnh tập trung làm tốt công tác hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Để tạo đột phát phát triển, Thừa Thiên Huế cần tập trung cho khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ủng hộ và phấn đấu đưa dự án đê chắn sóng Cảng Chân Mây vào đầu tư công trung hạn; kêu gọi, giới thiệu nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Liên quan đến một số kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn kiểm tra sẽ tổng hợp để báo cáo các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ để có quyết sách phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cảm ơn sự phân tích, đánh giá của Đoàn công tác đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của tỉnh trong phát triển KT-XH và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong 6 tháng đầu năm. Các ý kiến của đoàn kiểm tra rất hữu ích, giúp cho tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, trong đó tỉnh sẽ tập trung các giải pháp cương quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, nhất là các dự án trọng điểm, thuộc chương trình tiêu quốc gia và vốn trái phiếu Chính phủ.
Theo thuathienhue.gov.vn