Kinh tế và phát triển
Thừa Thiên Huế sẽ trở thành trung tâm dệt may của miền Trung
14:19 | 01/08/2016

Trong quy hoạch ngành dệt may giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự tính sẽ đầu tư 6.622 tỷ đồng để xây dựng nơi đây trở thành một trong những trung tâm dệt may của miền Trung.

Thừa Thiên Huế sẽ trở thành trung tâm dệt may của miền Trung
Thừa Thiên Huế sẽ trở thành trung tâm dệt may của miền Trung. Ảnh minh họa: Trần Việt-TTXVN

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển tối đa thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu, lấy xuất khẩu làm mục tiêu cho sự phát triển của ngành; đồng thời, đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; hình thành và phát triển ngành công nghiệp thời trang; phát triển ngành gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và xu thế dịch chuyển lao động nông nghiệp nông thôn. 

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nhằm đưa lĩnh vực dệt may phát triển theo hướng bền vững và đảm bảo đủ nguyên phụ liệu sản xuất cho các doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Ban điều phối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung triển khai Đề án "Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại Thừa Thiên - Huế", với diện tích khoảng 400 ha, tại khu công nghiệp Phong Điền. Đánh giá cao đề án này, nhiều doanh nghiệp ngành may tại KCN Phong Điền như: Công ty Huayan, Công ty Freetex Elastic (Thái Lan)... khẳng định tiếp tục đầu tư và mở rộng nhà máy. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, trước mắt các doanh nghiệp phải chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm) hay OMB (sản xuất nhãn hiệu gốc). 

Các doanh nghiệp ngành dệt may cho rằng, muốn hình thành trung tâm dệt may, trước hết, các nhà máy công nghiệp hỗ trợ dệt may đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu tại chỗ, cần kêu gọi các tập đoàn lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, Canada để sản xuất nguyên phụ liệu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tác. Bên cạnh đó, để sản xuất nguyên phụ liệu theo quy trình khép kín, tỉnh đang nghiên cứu đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại, đảm bảo môi trường và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 6 khu công nghiệp với 50 doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, tổng cộng có tới 300 dây chuyền may và 500.000 cọc sợi. Công ty cổ phần Dệt may Huế hiện đang ổn định việc làm cho hơn 4.000 công nhân, với mức thu nhập bình quân 5,6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016, Công ty phấn đấu đạt doanh thu 1.900 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 30 tỷ đồng. 

Hiện giá trị xuất khẩu mỗi năm của đơn vị đạt khoảng 60 - 70 triệu USD; trong đó, tỷ trọng hàng may mặc chiếm 70% xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật; 30% còn lại là hàng sợi xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha và một số nước châu Á. 

Tuy hình thành quy trình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu cho đến thành phẩm, nhưng ngoại trừ trừ vải và sợi ra, hầu hết nguyên phụ liệu của Dệt may Huế đều nhập từ nước ngoài. Tương tự, Công ty May Vinatex Hương Trà cùng được tiếng là doanh nghiệp lớn nhưng thực chất công ty cũng chỉ hoạt động dưới hình thức gia công cho các đối tác ở châu Âu, Mỹ, Canada… do 100% nguyên phụ liệu do đối tác cung cấp. Chính điều này làm giảm hiệu quả kinh doanh của ngành dệt may trong thời gian qua./. 
 

Theo Quốc Việt/TTXV

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng