Công trình hồ chứa nước Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) với tổng mức đầu tư 3.680 tỷ đồng sẽ được bàn giao vào cuối tháng 8 năm nay.
Được biết, công trình được thi công hơn 10 năm nay, công trình hồ chứa nước Tả Trạch nhằm chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho sông Hương.
Cấp nước sinh hoạt và công nghiệp; tạo nguồn nước tưới ổn định cho vùng đồng bằng sông Hương; bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường, vùng đầm phá, phục vụ nuôi trồng thủy sản và phát điện..
Trao đổi với Pháp luật Plus, ông Ngô Thông – Giám đốc Ban quản lý Đầu tư & Xây dựng Thủy Lợi 5 (thuộc Bộ NN&PTNT, chủ đầu tư dự án hồ Tả Trạch) cho biết, đến nay, chất lượng hạng mục công trình thi công đảm bảo đúng yêu cầu thiết kế; đúng tiến độ đề ra; hạng mục cơ khí tràn xả lũ kết hợp xả sâu, điện vận hành đảm bảo yêu cầu.
Công tác vận hành không tải các thiết bị đều đảm bảo yêu cầu thiết kế được duyệt… Các hạng mục công trình và công trình hồ Tả Trạch đã đủ điều kiện nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng”
Theo ông Thông, dự kiến hồ Tả Trạch sẽ tiếp tục tích nước đến cao trình thiết kế +35m, có thể cao hơn, không chỉ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, mà cả thủy điện và giảm lũ chính vụ, cắt lũ tiểu mãn, xử lý ô nhiễm môi trường trên các dòng sông.
Theo quy trình vận hành liên hồ, việc tích nước hồ Tả Trạch phụ thuộc vào mực nước trên sông Hương, đoạn Kim Long (TP Huế).
Khi mực nước trong hồ vượt +37m sẽ xả tràn về nhằm đảm bảo mực nước tại Kim Long đạt mức +3,65m mới đóng cửa tràn. Đây là phương án điều tiết giảm lũ cho hạ lưu sông Hương. Khi ngừng lũ sẽ xả nước trong hồ xuống cao trình +25m, chuẩn bị dung tích dự phòng đón lũ tiếp theo.
“Theo quy định vận hành, từ ngày 15-30/12 phải tích nước trong hồ Tả Trạch đạt cao trình +35m. Trường hợp mưa lớn, nước trong hồ dâng cao, có hai phương án điều tiết, là cho tăng cường phát điện, nếu phát không hết lượng mưa về thì tiếp tục vận hành cống xả sâu nhằm duy trì mực nước đạt cao trình +35m. Phương án này không chỉ tích nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, giảm lũ mà còn đảm bảo an toàn công trình trong mùa bão, lũ”, ông Thông cho hay.
Ngoài ra Công trình còn có một kỷ lục là đập đất cao nhất Việt Nam, với chiều cao nơi cao nhất là 60m.
Nói về những thuận lợi trong quá trình thi công công trình, ông Thông còn cho biết: Công trình được sự quan tâm của Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bên cạnh đó còn có những ưu tiên khác như về điện, vốn…
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi nêu trên cũng không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình thi công công trình được ông Thông chia sẻ: Vào những năm 2008, 2009, 2010 gặp nhiều mưa bão nên trở ngại. Hơn nữa địa chất ở khu vực công trình không tuân thủ theo quy luật thông thường gây khó khăn trong quá trình thi công.
Công trình hồ chứa nước Tả Trạch được triển khai xây dựng từ cuối năm 2005 với tổng mức đầu tư 3.680 tỷ đồng, có dung tích khoảng 650 triệu khối nước, đập chính kết cấu là đập đất 3 khối, bảo vệ mái thượng lưu bằng bê tông cốt thép, mái hạ lưu trồng cỏ; chiều dài đập là 1.187m, chiều cao đỉnh đập +60m.
Công trình có 4 đập phụ kết cấu là đập đất đồng chất, tràn xả lũ, tuynen lấy nước kết hợp dẫn dòng thi công.
Theo phapluatplus.vn