Kinh tế và phát triển
Công ty Đầu tư và Du lịch Huế nuôi tham vọng lớn sau IPO
14:42 | 14/09/2016

Hoạt động trong lĩnh vực đang được chính quyền địa phương “trải thảm đỏ”, phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Du lịch Huế rất có thể làm nên chuyện trên sàn chứng khoán.

Công ty Đầu tư và Du lịch Huế nuôi tham vọng lớn sau IPO
Thị trường du lịch tại Huế đang thiếu những tổ hợp dịch vụ quy mô lớn là cơ hội cho Công ty Đầu tư và Du lịch Huế sau IPO

Phiên IPO Công ty Đầu tư và Du lịch Huế sẽ diễn ra vào ngày 16/9 tại Sở Giao dịchchứng khoán Hà Nội (HNX), với số lượng cổ phần chào bán là 2,9 triệu cổ phần, tương đương 25% vốn điều lệ sau cổ phần hóa, mức giá khởi điểm là 12.700 đồng/cổ phần.

Công ty Đầu tư và Du lịch Huế vốn là Công ty Khách sạn Huế, sau đó đổi tên thành Công ty Du lịch Cố đô Huế. Năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sáp nhập một số công ty du lịch trên địa bàn tỉnh vào Công ty Du lịch Cố đô Huế và năm 2010 chuyển đổi thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Du lịch Huế.

Tiềm lực của Công ty Đầu tư và Du lịch Huế chưa thực sự mạnh, nhưng việc ngành du lịch được địa phương này thúc đẩy mạnh mẽ sẽ là cơ hội thiên thời và địa lợi cho doanh nghiệp thuộc hàng trụ cột trong lĩnh vực du lịch của Huế này sau IPO. Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh luôn thực hiện các cơ chế chính sách tốt nhất cho nhà đầu tư, nhất là trong ngành du lịch - lĩnh vực được địa phương này đặc biệt quan tâm.

Hiện tại, Công ty Đầu tư và Du lịch Huế cũng là chủ sở hữu 100% của Công ty TNHH MTV Khách sạn Bờ sông Thanh lịch, sau khi mua lại 50% phần vốn góp liên doanh của một công ty Hồng Kông khi liên doanh của 2 bên hết thời hạn. Như vậy, ngày 16/9, Công ty Đầu tư và Du lịch Huế thực hiện IPO cả công ty con là Công ty Khách sạn Bờ sông Thanh lịch.

Sau khi cổ phần hóa, Công ty dự kiến tiếp tục củng cố và phát triển hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú ngắn ngày, dịch vụ vận tải hành khách…

Kế hoạch kinh doanh của Công ty Đầu tư và Du lịch Huế cũng được định hình khá rõ ràng với doanh thu trong các năm 2016, 2017 và 2018 dự kiến đạt lần lượt là 56,5 tỷ đồng, 61,3 tỷ đồng và 66,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong 3 năm này dự kiến tăng dần, đạt 3,6 tỷ đồng năm 2016, 4,3 tỷ đồng năm 2017 và 5 tỷ đồng vào năm 2018. Với những chỉ tiêu trên, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ trong 3 năm tới sẽ tăng từ 3,05 tỷ đồng năm 2016 lên 4,19 tỷ đồng năm 2018.

Về kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tới, ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Du lịch Huế cho biết, dự án quan trọng nhất sau cổ phần hóa là nâng cấp, sửa chữa, cải tạo và xây mới Khách sạn Century thành Tổ hợp Khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vị trí của Khách sạn Century Reveside Huế (49-Lê Lợi, TP. Huế).

Các nhà quan sát cho rằng, chủ trương đầu tư trên của Công ty Đầu tư và Du lịch Huế là đúng với xu hướng thị trường hiện tại, bởi bối cảnh thị trường du lịch tại Huế đang thiếu những tổ hợp dịch vụ quy mô lớn. Cụ thể, khi đưa ra đánh giá về những lợi thế và bất lợi thế của ngành dịch du lịch tại Huế cách đây ít lâu, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Huế sở hữu tài sản văn hóa và tự nhiên không nơi nào có. Cố đô Huế là di sản đầu tiên được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, du lịch Huế chưa thực sự đột phá, mà một trong những nguyên nhân là dịch vụ du lịch còn ở quy mô vừa và nhỏ, khách sạn chủ yếu thuộc phân khúc thấp. Ông Tuấn cho rằng, xu hướng sử dụng dịch vụ chất lượng cao đang ngày càng tăng lên và du lịch Huế nên khuyến khích các dự án có quy mô lớn, chất lượng cao.

Theo Chí Tính (baodautu.vn)

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng