“Tham vấn nhu cầu tâm lý của học sinh trung học phổ thông thành phố Huế” là đề tài nghiên cứu của nhóm giảng viên Khoa Tâm lý trường ĐH Sư Phạm Huế vừa đạt giải Ba Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh TT Huế năm 2012. Khảo sát nhu cầu tư vấn tâm lý của học sinh, đưa ra các biện pháp giúp các em được tư vấn ngay tại trường học là những đóng góp của đề tài nghiên cứu này.
Nhóm nghiên cứu gồm các giảng viên, phần lớn còn trẻ tuổi của Khoa Tâm lý giáo dục trường ĐH Sư Phạm, do cô giáo Đinh Thi Hồng Vân làm chủ đề tài. Cô Vân cho biết, xuất phát từ thực tế hiện nay có khá nhiều học sinh lứa tuổi THPT do những căng thẳng về tâm lý, không được tư vấn và giải tỏa, đã tìm đến những cách giải quyết tiêu cực như tìm đến cái chết, gây gổ đánh nhau, hoặc dẫn đến tình trạng trầm uất, ảnh hưởng đến sức khỏe và những hiện tượng tiêu cực khác cho chính bản thân các em, nhóm giảng viên này đã quyết định cùng khảo sát nhu cầu này của học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố Huế, mặc dù đây chưa phải là địa bàn nóng về những vấn đề trên.
“Mặc dù chưa phải là địa bàn nóng nhưng không có nghĩa là chưa xảy ra các hiện tượng cần được hiểu và trợ giúp các em. Cuộc sống bận rộn khiến nhiều phụ huynh không có nhiều thời gian dành cho con cái, và các em vì vậy cũng không có nhu cầu chia sẻ với cha mẹ, trong khi có rất nhiều điều các em càn được tư vấn, giúp đỡ để có kỹ năng sống tốt hơn, tự giải quyết được những vướng mắc khó nói của bản thân. Nghiên cứu của chúng tôi hướng đến khảo sát và đưa ra những giải pháp khả thi dành cho các em”, thạc sĩ Hồng Vân cho biết.
Đối tượng khảo sát nghiên cứu là hơn 600 học sinh của các trường THPT Cao Thắng, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Thị Xuân. Ngoài ra còn có sự tham gia của một số cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường trên. Đề tài được tiến hành bằng nhiều phương pháp. Ngoài nghiên cứu lý thuyết chung, nhóm nghiên cứu còn tiến hành điều tra bằng bảng, trả lời câu hỏi trắc nghiệm đến từng học sinh, phỏng vấn sâu và thực hành thực nghiệm tác động bằng hoạt động tư vấn nhóm học sinh có cùng khó khăn về tâm lý cần tháo gỡ.
6 vấn đề khó khăn về tâm lý của học sinh phổ thông có nhu cầu tham vấn được nhóm nghiên cứu khảo sát gồm có: học tập, quan hệ- ứng xử với giáo viên, quan hệ- ứng xử với bạn bè, với bạn khác giới, với bố mẹ và người thân, và nhu cầu tham vấn về hướng nghiệp
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù tỉ lệ học sinh THPT thành phố phải thường xuyên đối mặt với stress về tâm lý chưa đến mức báo động, và khoảng 70% học sinh trả lời có thể tự điều hòa stress, song khoảng 90% các em được điều tra trả lời rằng cần được tham vấn tâm lý các vấn đề trên khi gặp khó khăn. Và các em mong muốn được tư vấn tại trường bởi những chuyên gia tâm lý hơn là các thầy cô giáo và bố mẹ của mình. “Chúng tôi đã khảo sát rất kỹ và nhận ra đây là 6 vấn đề mà các em thường gặp phải những rắc rối cần được sự tư vấn. Các em cũng cho biết, cần được tư vấn từ những nhà tâm lý chuyên nghiệp. Nhiều em còn chia sẻ rằng, có nhiều chuyện rất ngại chia sẻ với thầy cô hoặc cha mẹ, nếu có nhà tâm lý tư vấn thì sẽ mạnh dạn hơn”, nhóm nghiên cứu này cho biết.
Đề tài cũng đặt ra một vấn đề đó là cần xây dựng các trung tâm tham vấn tâm lý cho học sinh tại các trường học, với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý. Điều này đã được nhiều trường phổ thông tại TP HCM và Hà Nội, Cần Thơ thực hiện, tuy nhiên tại Huế thì chưa có.
Một tin vui là tại trường ĐHSP, Khoa Tâm lý giáo dục vừa được nhà trường quyết định cho xây dựng Trung tâm tham vấn tâm lý và giáo dục đặc biệt, trong đó tư vấn tâm lý cho sinh viên và các em học sinh là một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra. Và các tác giả của đề tài trên cũng là những tư vấn viên của Trung tâm này. “Chúng tôi nhận tư vấn cho các em tại văn phòng Trung tâm hoặc qua điện thoại. Để đảm bảo hoạt động cho Trung tâm, người đến tư vấn phải nộp một khoản kinh phí nhỏ, nhưng chúng tôi không nghĩ điều đó cản trở các em, vì hoạt động tư vấn rất kỹ lưỡng và đảm bảo tính chất riêng tư”, thạc sĩ Thiều Thị Hường, Phó GĐ Trung tâm này cho biết.
Tư vấn tâm lý là một nhu cầu chính đáng và cần thiết trong xã hội hiện đại. Trong đó lứa tuổi học sinh phổ thông với những thay đổi đặc biệt về tâm sinh lý càng cần được quan tâm thấu đáo về vấn đề này. Hy vọng, đề tài nghiên cứu của nhóm giảng viên khoa Tâm lý giáo dục với những kết quả và đề xuất hợp lý sẽ được ứng dụng thực tiễn không lâu nữa trong các trường học./.
Theo TRT