Đây là kì thi mà Bộ GD-ĐT đã chuyển từ 6 môn sang 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn, kết hợp với điểm tổng kết của năm lớp 12 để xét tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Kết quả là hai môn Ngoại ngữ (15,8%) và Lịch sử (11,5%) có số thí sinh chọn ít nhất, so với môn Hóa (57,6%), Vật lý (48%), Địa lý (36%), Sinh học (30,7%). Đối với HS thi khối A-B, hiện đang chiếm tỷ lệ tuyệt đối, thì đã có 4 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh làm điểm tựa, môn Văn chỉ cần qua khỏi điểm liệt là đã chắc đậu 100%. Với đề thi Văn, lần đầu tiên Bộ áp dụng dạng câu hỏi “đọc- hiểu” theo xu hướng “hội nhập quốc tế” (PISA) nhưng lại quá dễ đối với hầu hết HS với yêu cầu nêu các ý chính của một đoạn văn, xác định phong cách ngôn ngữ văn bản. Đây là những yêu cầu mà HS lớp 6, lớp 7 đã có thể đáp ứng được. Còn đối với yêu cầu viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ về sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam, thí sinh chỉ cần viết theo những công thức có sẵn (thái độ bất bình, phản đối, thể hiện lòng yêu nước…) là đạt yêu cầu. Bộ GD-ĐT cho rằng ra đề thi về sự kiện này là để khơi dậy/giáo dục lòng yêu nước cho học sinh. Tuy nhiên, một số GV Văn đi chấm thi về cho biết, lãnh đạo Hội đồng chấm thi đã quán triệt là GV tuyệt đối không được tiết lộ những bài văn có tính chất “lạc đề, chệch hướng” của thí sinh. Như vậy là ngay cả Bộ GD-ĐT cũng không tin tưởng chắc chắn vào mục tiêu giáo dục, tuyên truyền của đề thi.
Trước kì thi tổ chức rất vất vả, tốn kém với kết quả chỉ loại được một vài thí sinh, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên bỏ kì thi này, chuyển từ hình thức thi sang xét tốt nghiệp. Vì chỉ có GV trực tiếp giảng dạy mới đánh giá chính xác nhất năng lực của từng em. Trước đây việc bỏ kì thi tốt nghiệp THCS đã giảm được một kì thi và cho thấy tính hiệu quả, tiết kiệm. Thế nhưng, đại diện Bộ GD-ĐT vẫn cho rằng không bỏ kì thi tốt nghiệp, mà sẽ tiếp tục “đổi mới” để để kỳ thi “phản ánh đúng hơn, khách quan hơn chất lượng giáo dục”, trở nên “tin cậy”, “được xã hội thừa nhận”. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT khẳng định “kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ của các em để từ đó có giải pháp tác động lại người học. Nó có thể hiểu là đợt kiểm định chất lượng để xem chất lượng đào tạo thế nào, từ đó tăng dần chất lượng đào tạo”(2). Với những quan điểm nêu trên, Bộ GD-ĐT cho rằng kì thi vừa rồi chưa đáng “tin cậy”? Và với kết quả đậu tốt nghiệp xấp xỉ 100% như năm nay thì chuyện “chất lượng đào tạo” đã quá ổn, cần gì “tăng dần” nữa (!?).
Bộ GD-ĐT cho rằng việc đổi mới thi cử là khâu đột phá để đổi mới giáo dục. Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Trong ba trụ cột cần đổi mới của giáo dục là: đổi mới chương trình; phương pháp dạy và học; đổi mới thi cử thì Bộ chọn cái thứ ba. Chọn thi vì so với hai cái còn lại, nó dễ làm nhất thôi chứ chẳng phải vì logic. Làm đúng quy luật thì đầu tiên phải đổi mới từ chương trình, cách dạy học, cuối cùng mới là thi cử”(3). Như vậy, theo ông Thạch, Bộ GD-ĐT đã làm ngược, chọn cái dễ. Và trong cách làm cái dễ nhất này, Bộ này cũng làm rất tùy tiện, không dựa trên những nghiên cứu, khảo sát thực tiễn và những căn cứ khoa học. Kết quả thì đã rõ: hơn 99% HS tốt nghiệp THPT là một con số “ảo” so với chất lượng giáo dục, còn hàng trăm ngàn thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp mới là “quả đắng” của nền giáo dục.
Trước đây chúng tôi đã có bài bàn về chuyện thi cử thay đổi xoành xoạch của Bộ GD-ĐT. Sợ nhất là Bộ này đổi mới, cải cách thi cử một cách ngẫu hứng, không dựa trên một cơ sở lí luận, thực tiễn nào, cứ làm bừa theo kiểu được chăng hay chớ, “sai đâu sửa đó”, và hậu quả là đem hàng triệu học sinh, GV ra làm “thí nghiệm” cho những “cải cách” bất tận. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, dự kiến đến năm 2016, sẽ chỉ tổ chức một kì thi quốc gia với mục tiêu kép: vừa đánh giá kết quả tốt nghiệp phổ thông, vừa tuyển chọn vào các trường ĐH”(4). Đây là phương án đã được Bộ nêu ra từ lâu, và bị đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo phản đối vì tính chất lãng phí, phi khoa học của nó. Hai kì thi với tính chất, mục đích khác nhau không thể kết hợp làm một. Vì thi tốt nghiệp với mục đích đánh giá kết quả toàn diện để công nhận tốt nghiệp, đề thi ra ở mức HS trung bình là làm được bài, với nhiều môn thi. Trong khi đó thi tuyển sinh ĐH là chọn những HS khá giỏi để theo học một chuyên ngành đào tạo, đề thi phải khó để tuyển những người giỏi, thi ít môn. Cách đây nhiều năm, nhiều chuyên gia đã đề xuất nên bỏ kì thi tốt nghiệp (xét công nhận trên cơ sở điểm tổng kết các môn), và tổ chức kì thi tuyển sinh ĐH nhằm tăng chất lượng đầu vào cho các trường ĐH. Làm như vậy vừa nhẹ nhàng, vừa đỡ tốn kém và đúng phù hợp với mục tiêu từng kì thi. Trước sự phản đối của đông đảo dư luận, Bộ GD-ĐT đã buộc phải rút phương án nói trên. Nhưng nay sau một thời gian “đổi mới, cải cách” rối bời, Bộ GD-ĐT lại tìm về phương án cũ, vốn đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ. Cùng với đó là qui định bỏ điểm sàn tuyển sinh ĐH (Bộ GD-ĐT gọi là “điểm sàn linh hoạt”), tạo điều kiện cho các trường ĐH “vơ bèo vạt tép” những thí sinh yếu, ngõ hầu duy trì sự tồn tại hơn là vì mục tiêu đào tạo nhân lực, nhân tài cho xã hội. Điều này cho thấy sự bế tắc, bảo thủ trong tư duy quản lí của Bộ GD-ĐT.
Với một phương án lỗi thời và phi khoa học như vậy, dù chưa thực hiện cũng đã thấy được sự bất cập, không khả thi và thiếu bền vững của nó. Hàng triệu thí sinh có nguy cơ tiếp tục bị đẩy vào vòng xoáy “thí nghiệm”, “thử -sai” của Bộ GD-ĐT. Hậu quả của cách làm này không ai khác mà chính thế hệ tương lai của đất nước phải gánh chịu.
Theo Hải Hà - VHNA
Chú thích:
(1), (2), (4). Báo Người đưa tin ngày 20/6/2014. http://www.nguoiduatin.vn/nam-2016-se-co-ki-thi-chung-cho-thpt-va-cd-dh-a136616.html
(3). Báo VnExpress.net ngày 19/6/2014. http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/99-hoc-sinh-do-tot-nghiep-khien-nguoi-dan-khong-vui-3006550.html.