Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông đã tiến hành sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “ Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2012-2016”.
Sau 2 năm thực hiện Đề án: Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất ở các ngành học, cấp học được củng cố đầu tư, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư đáp ứng phần lớn nhu cầu dạy và học; Tỷ lệ học sinh đến trường tăng so với các năm học trước; Việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học được chú trọng phù hợp với các em học sinh dân tộc thiểu số; Đội ngũ giáo viên, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, tâm huyết nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Phong trào xã hội hóa giáo dục phát triển khá đồng bộ từ huyện đến thôn, bản, dòng họ, gia đình; nhận thức của nhân dân về sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên. Trong 2 năm có 110 em học sinh đạt giải qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 408 lượt học sinh được công nhận học sinh giỏi cấp huyện, đặc biệt có 03 em học sinh thi đỗ vào trường chuyên Quốc học và 07 thi đỗ vào các trường THCS, THPT danh tiếng của tỉnh. Số trường được công nhận đạt chẩn quốc gia tăng, đến nay toàn huyện có 21 trường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn, trong đó 10 trường có học sinh dân tộc thiểu số.
Đề án “ Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2012-2016” là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm trong công tác giáo dục và đào tạo cho con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, khẳng định vai trò vị trí của công tác giáo dục- đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân đối với sứ mệnh chuẩn bị nguồn nhân lực dồi dào tương lai cho đất nước. Để triển khai và hoàn thành tốt Đề án “ Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2012-2016” cần phải tiến hành đồng bộ các vấn đề về việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trong các trường, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tiếp tục chú trọng đổi mới phương pháp dạy học. Song song với đó, công tác kiểm tra rà soát phải được tiến hành thường xuyên định kỳ. Ngành giáo dục huyện Nam Đông cần rà soát và có kế hoạch giải quyết các vấn đề tồn tại để từng bước tháo gỡ những khó khăn các xã, thị trấn; cần phải có sự phối hợp đảm bảo tốt mối liên hệ giữa nhà trường với địa phương.
PV