Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015 ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cơ bản hoàn tất.
Về cơ sở vật chất: Ngành GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đã huy động mọi nguồn lực đầu tư và lồng ghép mọi nguồn vốn đầu tư để đầu tư xây dựng phòng học, phòng bộ môn và trang thiết bị dạy học.
Sở đã khảo sát CSVC và trang thiết bị của các đơn vị, cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tiến hành rà soát, tu sửa cơ sở vật chất phòng học, phòng ở giáo viên, phòng học sinh bán trú, đường điện, công trình vệ sinh, quét vôi và vệ sinh, tạo cảnh quan trường, lớp…
Đối với các trường Dân tộc nội trú, Sở cũng đã chỉ đạo cần chuẩn bị tốt về phòng ở, bếp ăn, giường, chiếu, chăn, màn cho học sinh xa nhà yên tâm học tập. Phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp đầy đủ và quyết tâm duy trì tốt tỷ lệ chuyên cần ngay từ đầu năm học.
Năm học 2014 - 2015, trên toàn tỉnh có 618 trường học và cơ sở giáo dục, trong đó có 202 trường mầm non, 226 trường tiểu học, 132 trường THCS, 40 trường THPT, 09 Trung tâm GDTX cấp huyện và 01 trung tâm cấp tỉnh, số trường không tăng so với năm học trước. Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ tuyển mới trên 17.400 học sinh vào lớp 1; trên 19.500 học sinh lớp 6 và gần 13.000 học sinh lớp 10.
Sở GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch.
Trên toàn tỉnh, tỷ lệ phòng học kiên cố của tất cả các, bậc học chiếm khoảng trên 65%. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1378/QĐ-UBND ngày 1/7/2014 ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2014 - 2015 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên gửi các đơn vị trường học, UBND các huyện, thành phố thực hiện.
Đặc biệt trong năm học này, toàn Ngành tập trung cho công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi để đến tháng 6/2015 đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận Thừa Thiên - Huế đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi toàn tỉnh; để đạt được kết quả này, trong tháng 7/2014 UBND tỉnh đã cấp bổ sung thêm cho ngành Giáo dục 33,7 tỷ đồng từ ngân sách để tiếp tục mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu và đồ chơi ngoài trời đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT trong công tác phổ cập.
Về đội ngũ giáo viên: Sở GD&ĐT tiến hành tổ chức lớp Bồi dưỡng chính trị cho hơn 390 cán bộ cốt cán và giáo viên môn Giáo dục công dân nhằm chuẩn bị cho việc triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015.
Lớp bồi dưỡng chính trị đã trang bị cho học viên những hiểu biết cơ bản về Hội nghị Trung ương 8, Hội nghị Trung ương 9 - Khoá XI; tình hình thời sự trong và ngoài nước, đặc biệt là tình hình biển Đông trong thời gian qua và nội dung học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014 về “nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”.
Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với Chương trình Giáo dục Intel Việt Nam tổ chức lớp tập huấn về phương pháp dạy học “Dạy học theo dự án”. Tham gia lớp tập huấn có 160 giáo viên của 55 đơn vị, trường Trung học trong tỉnh.
TS Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế - cho biết: Sở cũng đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai Văn bản số 3674/UBND-GD ngày 04/7/2014 của UBND tỉnh về quy định số lượng học sinh/lớp, ít nhất phải đảm bảo theo số tối thiểu.
Theo đó, các đơn vị phải có lộ trình từng bước để bắt đầu từ năm học 2014 - 2015 đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo quy định của UBND tỉnh. Số giáo viên dôi dư trong quá trình sắp xếp lớp, được giải quyết theo nhiều hướng: hoặc bố trí, biệt phái sang làm công tác tại các trung tâm học tập cộng đồng, hoặc cân đối mở rộng diện trường học 2 buổi/ngày, tăng số trường dạy học tiếng Anh 4 tiết/tuần đối với bậc tiểu học, hoặc chuyển sang giảng dạy ở các cấp học khác đối với giáo viên các môn đặc thù: Nhạc, Họa, Thể dục, Tin học, Ngoại ngữ.
Nhiệm vụ năm học mới 2014 - 2015 toàn Ngành tập trung 8 chỉ tiêu lớn, trong đó đặc biệt tăng tỷ lệ trẻ nhà trẻ, mẫu giáo; tăng cường công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học, đặc biệt là phổ giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tăng tỷ lệ học sinh các cấp tốt nghiệp loại khá, giỏi cũng như tăng tỷ lệ chất lượng chăm sóc và giáo dục học sinh mầm non, phổ thông; bảo đảm 100% học sinh học nghề phổ thông; tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn;
Ngành đã đề ra 16 giải pháp trọng tâm để thực hiện, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Ngành cũng xây dựng lồng ghép vốn ngân sách và học phí để triển khai sớm trong tháng 3/2015; triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý trang thiết bị dạy học, để theo dõi tình hình mua sắm, bảo quản ở các đơn vị.
Nguồn GD&TĐ