GD&TĐ - PGS.TS Lê Văn Anh – Phó Giám đốc ĐH Huế trao đổi về cách thức tổ chức tuyển sinh của cụm thi 26 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xin thầy cho biết, với việc đảm nhận Kỳ thi THPT quốc gia 2015 cho cả 3 địa phương, gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, số lượng thí sinh ở cụm thi 26 sẽ có biến động như thế nào so với kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH trước đây do ĐH Huế tổ chức?
- Năm nay, Bộ GD&ĐT giao ĐH Huế chủ trì một trong 38 cụm thi liên tỉnh, dành cho thí sinh của 3 tỉnh gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Ba tỉnh này đều có Hội đồng thi tại cụm thi địa phương dành cho những thí sinh dự thi chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. Chỉ tính riêng Thừa Thiên – Huế thì đã có khoảng 4.000 thí sinh trong tổng số khoảng 17.000 sẽ tham gia ở cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Ước tính, cả 3 địa phương, sẽ có khoảng 40.000 thí sinh dự thi tại Huế do ĐH Huế chủ trì.
Với số lượng thí sinh như thế thì không nặng nề gì so với năng lực tổ chức của ĐH Huế. Như kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2014, ở đợt 1, chúng tôi có từ 58.000 – 60.000 thí sinh dự thi, con số này của đợt 2 là 30.000 thí sinh. Do vậy, nhìn chung, công tác tổ chức cũng không có nhiều khó khăn, chỉ khó là trước đây chia làm hai đợt, giờ nhập lại thành một đợt.
Với một số lượng lớn thí sinh như thế, khó có thể tập trung hội đồng thi ở trung tâm thành phố nên sẽ phải sử dụng cơ sở vật chất của các trường học ở vùng ven. Những năm trước, thí sinh và người nhà thường gặp khó khăn về chỗ ở, năm nay, ĐH Huế có phương án gì trong phối hợp với chính quyền địa phương để hỗ trợ nơi ăn ở, đi lại cho thí sinh dự thi?
- Năm nay, ĐH Huế sẽ không đặt điểm thi tại các trường tiểu học mà chỉ dùng CSVC của các trường ĐH thành viên, các trường CĐ, TCCN, THPT và THCS trên địa bàn. Ngoài CSVC ở nội thành, ĐH Huế cũng sẽ phải đặt một số điểm thi tại một số xã ở huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy, Hương Trà.
Ở các khu vực vùng ven này, đội sinh viên tình nguyện của ĐH Huế đã có kế hoạch phối hợp với Đoàn thanh niên tại địa phương để khảo sát nhà trọ giá rẻ, miễn phí sát với điểm thi.
Xin ông cho biết phương án về lực lượng coi thi, chấm thi của ĐH Huế?
- Về lực lượng cán bộ coi thi, dự kiến, ĐH Huế sẽ huy động toàn bộ cán bộ, giảng viên, viên chức theo đúng quy chế và lực lượng sinh viên năm cuối đảm bảo theo quy chế thi.
Cụm thi liên tỉnh Kỳ thi THPT quốc gia 2015 do ĐH Huế chủ trì sẽ không sử dụng giáo viên THPT trong công tác coi thi. Về phương án cán bộ chấm thi, ở ác môn tự luận, ngoài sử dụng lực lượng giảng viên của ĐH Huế, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế để điều động cán bộ chấm thi.
Những năm trước đây, đội ngũ cán bộ chấm thi của ĐH Huế có khoảng 40 - 50 giáo viên THPT ở môn Toán, môn Sử, Địa cần khoảng 30 giáo viên THPT, số lượng giáo viên THPT ở môn Văn khoảng từ 50 - 60 người.
Tuy nhiên, năm nay, thời gian chấm thi ngắn, số lượng bài chấm thi nhiều nên ĐH Huế sẽ làm việc với các Sở GD&ĐT trong cụm thi để bàn về phương án điều động giáo viên chấm thi.
Do Thừa Thiên – Huế cũng có cụm thi tại địa phương nên phải “chia sẻ” lực lượng giáo viên chấm thi, trong trường hợp nếu thiếu thì sẽ huy động giáo viên từ Quảng Bình, Quảng Trị.
ĐH Huế có khó khăn gì khi đảm nhận nhiệm vụ tổ chức cụm thi, thưa thầy?
- ĐH Huế có kinh nghiệm gần 20 năm tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “ba chung”, trong đó, đã có những lúc, số lượng thí sinh tham gia dự thi lên tới 60.000 thí sinh nên cũng không gặp khó khăn gì lớn.
Có chăng đây là lần đầu tiên, có sự phối hợp với địa phương, mà là cả 3 địa phương. Một trong những thay đổi lớn là trong thành phần Ban chỉ đạo, ĐH Huế chỉ là thành viên, Giám đốc ĐH Huế năm nay sẽ là Phó Ban chỉ đạo chứ không phải là Trưởng ban chỉ đạo như mọi năm.
Trong thành phần Ban chỉ đạo cũng sẽ có sự tham gia của cả 3 Sở GD&ĐT của 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Bên cạnh việc chủ trì cụm thi liên tỉnh, ĐH Huế cũng phải tham gia với các tỉnh ở cụm thi địa phương nên nhân lực cũng bị chia ra.
Chúng tôi xác định, có khó khăn chăng là do có 2 cụm thi nên sẽ có sự chia sẻ cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực. Trước đây, ĐH Huế có thể huy động toàn bộ những giáo viên THPT có kinh nghiệm chấm thi thì giờ số giáo viên này cũng phải chia ra cho cả cụm thi địa phương.
15 ngày sau khi thi, các cụm thi phải công bố điểm thi, trong đó có cả thời gian xáo túi bài thi, làm phách… nên công tác chấm thi phải rất khẩn trương nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác đòi hỏi sự cố gắng lớn của các cụm thi.
ĐH Huế đã có công văn gửi các trường thành viên, yêu cầu trong thời gian đó, phải tập trung ưu tiên cho công tác chấm thi để đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu công việc.
Xin cảm ơn thầy!
Theo giaoducthoidai.vn