Sáng nay (16.6), tại trường Đại học Nông Lâm Huế đã diễn ra lễ công bố thành công sinh sản nhân tạo cá dìa (Siganus guttatus).
Đề tài nghiên cứu do NCS Lê Văn Bảo Duy – Khoa Thủy sản, trường Đại học Nông Lâm Huế cùng nhóm nghiên cứu thực hiện gần hai năm (2013-2015), được tài trợ bởi Chương trình VLIR-IUC Đại học Huế, Dự án ACCCU và sự hỗ trợ của các Giáo sư từ Đại học Nagasaki-Nhật Bản, Đại học Ghent-Bỉ.
Tại buổi Lễ, NCS Lê Văn Bảo Duy đã báo cáo tóm tắt về Sinh sản nhân tạo và ương nuôi các dìa. Sau gần hai năm nghiên cứu, với sự liên kết với Đại học Ghent (Bỉ) và Đại học Nagasaki (Nhật Bản), nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa quanh năm với tỉ lệ sống cao và ổn định. Trong suốt quá trình đó, nhóm nghiên cứu đã tìm ra được điều kiện môi trường tối ưu, khẩu phần ăn hợp lý và biện pháp xử lý hiệu quả đối với dịch bệnh xảy ra trong suốt quá trình ương nuôi. Bên cạnh đó, quy trình lần này có tính bền vững cao. Môi trường nước được xử lý hoàn toàn bằng công nghệ vi sinh nhập từ Bỉ và hoàn toàn không sử dụng thuốc kháng sinh. Thức ăn của ấu trùng được sản xuất dựa trên những công nghệ mới nhất đang được áp dụng tại Bỉ và Nhật Bản.
Được biết, Sinh sản nhân tạo và ương nuôi các dìa là một trong những thách thức không nhỏ đối với nghề nuôi cá biển Việt Nam trong nhiều năm qua, do quá trình ương ấu trùng sau khi nở đã không thành công, tỉ lệ sống của ấu trùng đến 6-7 ngày tuổi rất thấp và thiếu ổn định. Nguyên nhân chính được cho là liên quan đến chất lượng nguồn nước, nhu cầu dinh dưỡng và sự xuất hiện dịch bệnh.
PV