Kỳ tuyển sinh đại học 2015, Đại học Luật – Huế chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên bằng phương thức xét tuyển với 2 ngành: Luật và Luật Kinh tế.
Xét tuyển với 4 tổ hợp môn thi
Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng phòng đào tạo Đại học Luật cho biết: Năm 2015 Trường Đại học Luật - ĐH Huế sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh dự thi tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì theo quy chế tuyển sinh hiện hành. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 500 đối với ngành Luật và 300 đối với ngành Luật Kinh tế.
Trong mùa tuyển sinh đầu tiên, Đại học Luật – ĐH Huế xét tuyển thông qua Hội đồng tuyển sinh chung của Đại học Huế. Đại học Huế tổ chức một Hội đồng tuyển sinh chung để tuyển sinh cho tất cả các trường thành viên, khoa trực thuộc và phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Vùng tuyển sinh của trường là tuyển sinh trong cả nước.
Cụ thể, tổ hợp các môn thi để xét tuyển vào Trường Đại học Luật của 2 mã ngành đào tạo Luật và Luật kinh tế, bao gồm: (Toán, Lý Hóa); (Toán, Vật lý, Tiếng Anh); (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý); (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Lưu ý: Đại học Huế không sử dụng kết quả miễn thi môn Ngoại ngữ trong Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Chất lượng đào tạo hàng đầu
Tiền thân là Luật Khoa thuộc Viện Đại học Huế (từ năm 1957), bắt đầu từ năm 2015, Khoa Luật – Đại học Huế chính thức được đổi thành Trường Đại học Luật – Đại học Huế. Là trường đại học đào tạo về ngành Luật có uy tín nhất khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Đại học Luật – ĐH Huế mang đến chất lượng đào tạo hàng đầu về ngành Luật cũng như cơ sở vật chất, khuôn viên trường hiện đại.
Hiện trường có 199 giảng viên trong đó có 98 giảng viên cơ hữu giảng dạy chuyên môn trong trường, bao gồm 3 Phó giáo sư, 16 Tiến sĩ, 64 Thạc sĩ và 15 Cử nhân, với số lượng giảng viên trên trường Đại học Luật – Đại học Huế đảm bảo tỉ lệ số lượng sinh viên chính quy/1 giảng viên quy đổi dưới 1/25 (tỉ lệ hiện tại của trường là 1/20.4) theo Quy định của Bộ GD&ĐT.
Nhiều phòng giả lập tòa án được trường đầu tư xây dựng để giúp các em sinh viên có cơ hội thực hành nhiều hơn trong quá trình học tập tại đây. Hàng năm, trường cũng trích khoảng 3% học phí cho sinh viên nghiên cứu khoa học, hoạt động chuyên môn.
Môi trường học năng động, chuẩn quốc tế
Khi vào trường, sinh viên có thể tham gia các câu lạc bộ như: CLB Luật gia, CLB ngoại ngữ, CLB văn hóa văn nghệ, Đội công tác xã hội, Đội văn minh học đường... Và để rèn luyện các kỹ năng, người học sẽ được tham gia các phiên tòa lưu động; được tham gia các lớp tập huấn thực tế về tư vấn pháp luật; được tham gia tư vấn pháp luật cộng đồng tại các trại giam và các hoạt động kỹ năng chuyên môn khác dưới sự phụ trách và đầu mối của Tổ thực hành luật và quan hệ doanh nghiệp, Trung tâm tư vấn pháp luật".
Nhà trường còn có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại phục vụ người học nâng cao thể chất. Được biết, khuôn viên của trường hiện có diện tích 10,73 ha (7,93 ha đất xây dựng, 2,8 ha trồng cây xanh) nằm trong quy hoạch tổng thể Đại học Huế. Cơ sở hạ tầng được thiết kế xây dựng đồng bộ, thông thoáng, với hệ thống khu dịch vụ sinh viên theo mô hình trường đại học hiện đại đạt chuẩn khu vực. Trường có sân bóng đá nhân tạo đạt chuẩn quốc tế, có sân bóng chuyền, phòng bida phục vụ hoạt động thể thao.
Trường có các hoạt động thi đua, khen thưởng, khuyến khích học tập... cho sinh viên và rất nhiều hoạt động khác do trường tổ chức nhằm hỗ trợ học tập và sinh hoạt cho người học. Thầy Sơn cho biết: "Chúng tôi mong muốn các thế hệ sinh viên ĐH Luật – ĐH Huế sẽ là những "cử nhân vàng" - thể lực và trí lực đều tốt".
Theo khampha.vn