Giáo dục-Y tế
Câu chuyện về lớp học phụ đạo trong ngôi nhà...hoang
08:13 | 20/11/2015

Tốt nghiệp ĐHSP - ĐH Huế với 2 tấm bằng trong tay nhưng anh vẫn quyết định ở lại quê hương tham gia công tác xã hội. Ngoài ra, anh còn dạy phụ đạo miễn phí cho những em nhỏ nghèo trong làng.

Câu chuyện về lớp học phụ đạo trong ngôi nhà...hoang

Anh là Phan Cả, quê ở làng Lương Viện, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Cả sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em trên một vùng quê nắng gió, đất đai cằn cỗi, người dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng.

Năm 2007, anh Cả tốt nghiệp THPT, nhưng do hoàn cảnh gia đình anh chưa thể tiếp tục học lên đại học. Để có tiền học đại học, anh đi hái cà phê ở mãi tận trong Tây Nguyên. Trong khoảng thời gian ấy, ao ước trở thành một người thầy vẫn cứ cháy bỏng trong anh.

Năm 2009, anh quyết định trở về Huế và thi đậu vào trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế chuyên ngành Sư phạm Tâm lý – Giáo dục. Việc anh đậu đại học bên cạnh niềm vui vỡ òa, còn là sự lo lắng của ba mẹ, bởi sau Cả còn 2 em đang đi học phổ thông.

Để gia đình bớt gánh nặng chi phí học đại học, khi là sinh viên, Cả thường đi dạy thêm, làm thêm. Một thầy chùa biết hoàn cảnh của Cả nên đưa Cả vào chùa sinh sống. Hằng ngày, cứ 5h sáng, Cả lại thức dậy quét dọn chùa rồi sau đó mới cắp sách tới trường. Đến cuối chiều, Cả lại đi dạy kèm. Buổi tối, Cả đi làm thêm tại nhà hàng cho đến tối khuya.

Thời điểm học đại học đến năm thứ 2, dù thời gian dành cho việc học không nhiều nhưng Cả vẫn quyết định học thêm chuyên ngành Giáo dục Chính trị của trường ĐHSP – ĐH Huế, nhằm tăng thêm cơ hội việc làm khi tốt nghiệp ra trường.

Tuy nhiên, đến năm thứ 3 đại học, gia đình Cả gặp biến cố, ba của Cả chẳng may bị tai biến mạch máu não, mọi gia sản trong nhà ra đi theo tiền viện phí. Gia đình đã nghèo nay còn kiệt quệ hơn.

Tâm sự về những ngày tháng này, Cả nói: “Cũng may mắn ba qua cơn nguy kịch. Chỉ thương đứa em gái phải nghỉ học giữa chừng…”.

Đứng trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên vào mỗi mùa hè, khi những bạn sinh viên khác về quây quần bên gia đình thì Cả lại khăn gói cùng hai anh trai đi làm phụ hồ mãi ngoài TP Vinh (Nghệ An) để kiếm tiền trang trải cho năm học tiếp theo.

Năm 2013, Cả tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý, 2 năm sau Cả tốt nghiệp ngành Giáo dục chính trị

Tạm biệt mái trường sư phạm, Cả cầm trong tay 2 tấm bằng đại học. Tuy nhiên, khác với những bạn học khác là Nam tiến để tìm kiếm cơ hội việc làm, Cả quyết định ở lại quê hương Phú Đa để lập nghiệp.

Chia sẻ về quyết định này, Cả cho hay: “Quê mình mặc dù còn nghèo, nhưng có đi mô rồi cũng chẳng bằng quê mình. Với lại mình còn rất nhiều dự định cho nơi này lắm".

Trong câu chuyện được biết, bản thân Cả đã từng đi tha hương làm ăn kiếm sống, bôn ba với bao nghề nên có lẽ hơn ai hết, anh hiểu những giá trị thiêng liêng của hai chữ “quê hương”. Chính vì vậy, việc anh quyết định ở lại quê hương dù nhiều bộn bề khó khăn đang đợi trước mắt cũng là điều dễ hiểu.

Biết anh học chuyên ngành chính trị, chính quyền địa phương đã tin tưởng giao cho Cả chức vụ Bí thư chi đoàn thôn, phụ trách các hoạt động đoàn trong thôn. Và rồi chính công việc này đã mang đến cơ duyên để Cả hiểu những khó khăn của trẻ em trong thôn và đi đến quyết định mở lớp dạy phụ đạo cho các em học sinh.

Cả tâm sự, ngày còn sinh viên, thấy trẻ em thành phố được học thêm này nọ, rồi được gia sư đến dạy kèm tận nhà, trong khi những em nhỏ nghèo ở quê mình chỉ học trên trường rồi về nhà chẳng làm gì. Thấy vậy, Cả quyết định mượn một ngôi nhà bỏ hoang rồi tập hợp các em nhỏ trong làng để dạy phụ đạo.

Với kỹ năng sư phạm của một cử nhân Tâm lý Giáo dục và những kiến thức tích lũy được trong quá trình làm gia sư thuở sinh viên, lớp học của Cả đã thu hút rất nhiều em nhỏ tham gia. Các em đa phần đều là học sinh tiểu học và con nhà nghèo ở trong làng.

Đến với lớp học của anh giáo Cả, học sinh không phải đóng một khoản tiền học phí nào. Chỉ là nhiều phụ huynh thương anh giáo nghèo, sống có tâm thi thoảng lại biếu ít gạo, ít nông sản…

Ngày tôi đến thăm lớp học của Cả, những học sinh trong lớp đều đang tập trung làm bài tập. Lớp học có gần 20 em, nhìn khuôn mặt ngây thơ còn nhem nhuốc bùn đất của các em và sự tỉ mẩn hướng dẫn của anh giáo Cả, tôi thấy một sự bình yên đến ý nghĩa.

Lớp học của Cả được tận dụng từ một ngôi nhà hoang, bên trong đặt một ít bàn ghề và tấm bảng mượn từ trường học gần đó. Xung quanh phòng học còn có một kệ sách nhỏ, đặt manh mún mấy cuốn truyện tranh.

Anh giáo Cả tâm sự: “Giờ mình chỉ có một ước mơ nhỏ là có một tủ sách đàng hoàng hơn, với nhiều đầu sách thiếu nhi cho các em đọc. Bọn trẻ ở đây thích đọc sách lắm. Ở đây chỉ có mấy cuốn truyện, chúng cứ đọc đi rồi đọc lại, nhìn thương lắm…”.

Em Phan Thị Vân, học lớp 4/1, trường Tiểu học Phú Đa 3 hồn nhiên cười cho biết: “Thích nhất là mỗi lần thầy Cả đi trên thành phố về. Mỗi lần vậy là thầy lại đưa về thêm sách mới, có thêm truyện mới...

Tiếp xúc với Cả, có lẽ ấn tượng rõ nhất mà người viết cảm nhận là ngoại hình. Dáng người anh mảnh khảnh, khuôn mặt nổi bật với đôi mắt hiền lành. Cả hay cười và rất chất phác.

Được biết, ngoài thời gian dạy học, Cả còn phát triển thêm mô hình chăn nuôi gà. Hiện tại Cả đang nuôi thử nghiệm rất nhiều loại gà. Cả cho hay, vì vùng đất ở quê là đất cát, không phải loại gà nào cũng phù hợp. Bước đầu, Cả nuôi thử nghiệm, thấy loại gà nào phát triển tốt thì bước tiếp theo anh sẽ nhân rộng ra.

“Tới đây, mình định khăn gói đi học tập thêm vài mô hình vật nuôi trên vùng đất cát như nhông, rắn mối… Khi đã có kinh nghiệm, chắc chắn mình sẽ phát triển một mô hình các vật nuôi như thế ở chính quê hương của mình", chỉ tay về vùng cát quanh nhà, Cả chia sẻ.

Được biết, không chỉ dạy phụ đạo, chăn nuôi, hằng ngày Cả còn dành một ít thời gian làm thêm dịch vụ điện hoa trên thành phố khoảng 2 - 3 tiếng. Và khi có dịp, Cả lại ghé vào hàng sách truyện cũ, mua ít truyện làm quà cho những học sinh của mình. Một ngày của chàng trai này, không có chút nghỉ ngơi nhưng tâm trí anh vẫn không quên được cái ham thích đọc sách của lũ học trò.

   Câu chuyện về lớp học phụ đạo trong ngôi nhà...hoang - Ảnh 5
Ước mơ nhỏ của anh giáo Cả là các em học trò có một tủ sách khang trang với nhiều đầu sách thiếu nhi cho các em

Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Dung, Thôn trưởng làng Lương Viện cho hay: “Cả là một thanh niên được rất nhiều người quý mến ở địa phương. Vừa mới làm bí thư đoàn nhưng Cả đã tổ chức cho làng một đêm hội diễn văn nghệ khá thành công. Lâu lắm rồi làng Lương viện mới có bữa vui như thế. Tới đây, bên chính quyền thôn sẽ tạo điều kiện để Cả phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng…”

Anh Nguyễn Văn Dũng, Phó Bí thư đoàn thị trấn Phú Đa chia sẻ: “Đồng chí Cả không chỉ có lý tưởng sống đẹp mà rất có trách nhiệm trong công việc, đặc biệt là phòng trào của địa phương. Tôi tin những dự định của đồng chí Cả về tủ sách ao ước, về mô hình chăn nuôi sẽ thành công…”

Trước lúc chia tay anh giáo Cả và lớp học dễ thương ra về, tôi đã được nghe các em học sinh cất vang bài hát “Bụi phấn”. Nghe giọng hát trong trẻo của các em, nhìn ánh mắt của Cả, tôi biết mặc dù ước mơ trở thành người thầy của Cả còn dang dở nhưng tình cảm gắn bó của anh với lũ trẻ làng quê này đã thực sự khăng khít. Nhìn vào đôi mắt của anh hiện tại, tôi thấy được sự hài lòng với những gì anh đang có – đó là những nụ cười hiền lành và sự tiến bộ của đám học trò nghèo. Có lẽ đây là món quà ý nghĩa nhất mà một cử nhân sư phạm nhận được trong ngày hiến chương các Nhà giáo 20/11.

Theo Lê Kông (nguoiduatin.vn)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng