Trường Đại học Nông Lâm Huế vừa phối hợp với Đại học Khoa học Sự sống Praha-Cộng hòa Séc đã tổ chức Hội thảo Tiềm năng cơ hội hợp tác về Nghiên cứu và Giáo dục giữa Đại học Nông Lâm và Đại học Khoa học Sự sống Praha-Cộng hòa Séc. Hội thảo được sự tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Cộng hòa Séc.
Tham dự Hội thảo, có: Ông Martin Klepetko - Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam, Ông Milan Vagner - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam, GS. Jan Banout-Trưởng khoa Khoa Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới, Đại học Khoa học sự sống –CH Séc.
Về phía Đại học Nông Lâm, có: PGS.TS Lê Văn An- Hiệu trưởng nhà trường, PGS. TS Phùng Thăng Long- Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các khoa Nông học, Chăn nuôi Thú y, Cơ khí Công nghệ, Thủy sản, lãnh đạo các phòng KHCN-HTQT, phòng ĐTSĐH, các cán bộ giảng viên của trường ĐHNL-ĐHH.
Trường Đại học Nông Lâm-Đại học Huế và Đại học Khoa học Sự sống CH Séc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2005 thông qua các dự án nghiên cứu và phát triển giữa hai trường đại học. Để hai trường đại học đạt mức cao hơn, hội thảo là dịp nhằm thảo luận, tìm kiếm mối quan hệ hợp tác sâu hơn về giáo dục và nghiên cứu giữa hai trường.
Tại Hội thảo, các đại biểu được lắng nghe về: Lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, chương trình đào tạo, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế giữa trường ĐHNL; Tổng quan về hiện trạng và ý kiến cho dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam; Công nghệ sau thu hoạch, hiện trạng và tiềm năng phát triển tại miền Trung Việt Nam; Các hệ thống hiện nay và cơ hội cải thiện sản xuất gia súc của nông hộ nhỏ tại miền Trung Việt Nam; Các loài thủy sinh có khả năng lan tràn trong nuôi trồng thủy sản; Tổng quan về các chủ đề nghiên cứu khả năng hợp tác giữa ĐHNL Huế và ĐH khoa học sự sống Prague. Cũng tại Hội thảo, GS. Jan Banout-Khoa Khoa học Nông nghiệp nhiệt đới đã trình bày tổng quan về trường ĐH Khoa học sự sống Prague, đặc biệt các dự án được thực hiện tại Việt Nam, như: Dự án phát triển bền vững tại xã Phong Mỹ từ năm 2006-2008; Hỗ trợ về nuôi cá bằng nước sạch tại khu vực miền núi Việt Nam; Tái chế tài nguyên năng lượng cho các vùng nông thôn ở Thừa Thiên Huế. Kết quả của các dự án thực hiện đem lại lợi ích cho người dân, đã giải quyết một số vấn đề khó khăn trong đời sống thường nhật của người dân tại khu vực nông thôn và miền núi của Việt Nam.
PV