Để xây dựng đơn vị điển hình về dạy và học Ngoại ngữ, theo thầy Mai Anh Ngọc - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế), cần quan tâm thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng giáo viên.
Nâng chất cho đội ngũ giáo viên
Nếu không có đội ngũ tốt thì không thể làm được gì cho dù có đầu tư trang thiết bị hiện đại, tân tiến bao nhiêu đi nữa. Để có đội ngũ giáo viên Ngoại ngữ tốt, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của giáo viên.
Theo thầy Ngọc, cách làm của Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế là: Phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức khảo sát đánh giá phân loại năng lực ngôn ngữ cho toàn thể giáo viên tiếng Anh.
"Kết quả: Chỉ có 15% đạt chuẩn, 81% không đạt chuẩn và 4% không nằm trong khung đánh giá. Điều đó giúp chúng tôi đánh giá đúng "căn bệnh" để "kê đơn, bốc thuốc" phù hợp" - Thầy Ngọc cho biết.
Cũng theo thầy Ngọc, Sở còn phối hợp với nhiều đối tác có uy tín như: Cambridge ESOL, Đại học Ngoại ngữ Huế, Hội đồng Anh, Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản, Viện Pháp ngữ tại Huế để tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên.
Việc bồi dưỡng đồng thời diễn ra ở nhiều đối tác khác nhau nhằm đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa giáo viên, phát huy được thế mạnh của mỗi đơn vị bồi đắp cho những điểm yếu của giáo viên. Chương trình đào tạo ưu tiên chú trọng đến kĩ năng giao tiếp với người bản xứ.
"Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng nhiều phương án bồi dưỡng giáo viên khác nhau như: bồi dưỡng trực tiếp tại các lớp và bồi dưỡng online (kết hợp Cambridge), đặc biệt chỉ đạo tăng cường tự học, tự bồi dưỡng" - Thầy Ngọc cho biết.
Song theo thầy Ngọc, quan trọng là khâu tổ chức bồi dưỡng và sắp xếp thời gian hợp lí. "Kinh nghiệm của chúng tôi là: Rà soát, phân loại theo trình độ, địa bàn cư trú, hoàn cảnh đặc biệt cá nhân, tính toán cẩn thận để rãi đều chương trình học trong thời gian dài trong suốt năm. Giáo viên thường được học vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, tập trung nhiều hơn vào thời gian hè".
Ngoài những giải pháp nêu trên, Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế còn sử dụng các chuyên gia tình nguyện Australia (đã từng giảng dạy ở Trường Đại học Ngoại ngữ Huế và Cao đẳng Sư phạm Huế) và 2 chuyên viên Việt Nam.
Một mặt họ tư vấn công tác bồi dưỡng, mặt khác trực tiếp đứng lớp bồi dưỡng các chuyên đề về phương pháp dạy học theo hướng hiện đại cho nhiều đối tượng giáo viên khác nhau, đặc biệt là những giáo viên cốt cán của các địa phương.
"Kích cầu" động cơ tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên
Thầy Ngọc cho biết, để đạt được mục đích này, Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đã tích cực đẩy mạnh đổi mới kiểm tra đánh giá ở các cấp bậc học.
Đổi mới thi, kiểm tra đánh giá đủ 4 kĩ năng để "kích cầu" động cơ tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên Tiếng Anh. Coi đây là giải pháp chính và bền vững của công tác bồi dưỡng đào tạo.
"Chúng tôi đẩy mạnh chất lượng học sinh để buộc giáo viên phải tự học, tự đào tạo. Theo đó, việc kiểm tra đánh giá hướng tới phát triển 4 kĩ năng ngôn ngữ. Trường chủ động việc đánh giá quá trình. Sở ra đề và tự chịu hoàn toàn trách nhiệm trong đánh giá kết quả.
Chúng tôi mạnh dạn thi đủ 4 kĩ năng hạn chế kiến thức ngữ pháp hàn lâm trong các cuộc thi do sở tổ chức như: thi học kì, thi tuyển sinh vào cấp 3, thi hùng biện tiếng Anh hằng năm" - Thầy Ngọc cho hay.
Thầy Mai Anh Ngọc
"Khi chúng tôi làm đề thi học kì và học sinh giỏi, bao giờ cũng tính đến tính vùng miền; học sinh yếu cũng làm được bài ở mức độ nhất định, học sinh giỏi vùng khó khăn thì đạt các giải khuyến khích để nuôi niềm hy vọng ở các em, thầy cô giáo và nhà trường, tránh trường hợp ra đề quá khó hoặc quá dễ không phân loại được học sinh.
Mỗi năm chúng tôi tăng độ khó lên, tuy nhiên phải có lộ trình rõ ràng nên việc ổn định chuyên viên của các đơn vị. Theo đó, chúng tôi điều hẳn giáo viên về Sở và phòng hạn chế biệt phái".
Theo Minh Phong ( giaoducthoidai.vn)