Sáng ngày 18/7, trường Đại học Y Dược Huế đã tổ chức Lễ Khai giảng Khoá đào tạo “Âm ngữ trị liệu” đầu tiên của khu vực miền Trung và Tây Nguyên với sự tài trợ của Quỹ KOICA Hàn quốc và hỗ trợ kỹ thuật từ Trường Đại học quốc gia Chonbuk.
Tham dự Lễ Khai giảng, về phía tỉnh Thừa Thiên Huế, có ông Lê Đình Khánh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Bà Đoàn Minh Xuân - Phó giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng; Ông Đinh Hữu An - Hội người khuyết tật; Ông Nguyễn Vũ Quốc Huy – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế cùng đại diện lãnh đạo nhà trường và các học viên trúng tuyển khoá học. Về phía Hàn Quốc, có ông Jung Dong Jo - Giám đốc Trung tâm King Sejong Huế, GS. Shin Sook Ho và Cô Hong Seung Yeun - Quỹ nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc; Cô Choi Yunil - Đại học Cheju Halla - Quản lý Dự án điều dưỡng tại Đại học Y Dược Huế; GS. Shin Hyo Keun - nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Quốc gia Chonbuk; GS. Yamamoto Tadashi - Bệnh viện thành phố Toyahashi; GS. Kim Huyn Gi - Đại học Quốc gia Chonbuk – Chủ nhiệm Khoá học.
Các dạng bệnh lý rối loạn giao tiếp và nuốt thường gặp là rối loạn khả năng phát âm, nói lắp, tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ sau tổn thương não, v.v. Tỉ lệ khoảng 1/7 dân số ở các quốc gia phát triển bị rối loạn giao tiếp và nuốt. Tại Việt Nam, ước tính có hơn 13 triệu người. Số lượng trung tâm và chuyên gia âm ngữ trị liệu ở Việt Nam không nhiều và hầu hết tập trung tại 02 thành phố lớn là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Người bệnh ở các địa phương khác vì thế khó có cơ hội tiếp cận điều trị. Khoá đào tạo ngắn hạn này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển việc đào tạo chuyên ngành Âm ngữ trị liệu và phát triển các cơ sở điều trị trong lĩnh vực này ở các tỉnh, thành của Việt Nam.
Khoá 1 có 28 học viên trúng tuyển. Các học viên sau khoá học sẽ được gửi đi thực tập ở các đơn vị điều trị ở Hàn Quốc, Hà Nội, Sài Gòn. Chương trình đào tạo ngắn hạn này là bước đầu tiến đến xây dựng các chương trình đào tạo dài hạn, xây dựng Trung tâm Âm ngữ trị liệu hiện đại tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế.
Lê Tân