Giáo dục-Y tế
ĐH Huế: Cơ hội để các nhà khoa học nữ phát huy năng lực
09:29 | 22/07/2016

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ban hành những chính sách đã và đang tạo đà cho phụ nữ nhằm thực hiện bình đẳng giới. Đối với nữ tri thức đây là cơ hội tốt để các chị phát huy năng lực của mình.

ĐH Huế: Cơ hội để các nhà khoa học nữ phát huy năng lực

Cùng với xu hướng phát triển chung của nữ cán bộ, viên chức, lao động (CBVCLĐ) ngành giáo dục, nữ CBVCLĐ Đại học Huế đã không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, có nhiều cải tiến, sáng kiến kỹ thuật, mang lại những hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực khoa học, nông nghiệp, y tế, giáo dục, hành chính sự nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sự ổn định và phát triển Đại học Huế cũng như các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc.

Đội ngũ nữ CBVCLĐ Đại học Huế hiện có 2.056 người (53,2%), trong đó nữ cán bộ giảng dạy 1.006 người (47,4%), nữ Phó Giáo sư 37 chị (18,3%), nữ Tiến sỹ 151 chị (29,1%), nữ Thạc sỹ 735 chị (53,4%). Với lực lượng nữ có trình độ và năng lực chuyên môn tốt, cùng với sự nỗ lực phấn đấu, nữ CBVCLĐ Đại học Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở mỗi cương vị công tác.

Đối với CBVCLĐ trong môi trường giáo dục, bên cạnh công tác giảng dạy, quản lý, phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học – một trong 2 nhiệm vụ chính cần phải thực hiện.

Nhiều chị đã trở thành nhà khoa học giỏi, nhà quản lý năng động ở các trường đại học thành viên, khoa và các đơn vị trực thuộc. Hiện nay, có 20 chị là ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy cơ sở, 125 chị là trưởng, phó các khoa, phòng trở lên, góp phần quan trọng trong quản lý, điều hành chung tại Đại học Huế.

Trong 5 năm gần đây, đội ngũ nữ CBVCLĐ Đại học Huế đã và đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (83 đề tài cấp Đại học, 35 đề tài cấp Bộ và cấp Bộ trong điểm, 2 đề tài cấp nhà nước, 4 đề tài NAFOSTED, nhiều đề tài cấp Tỉnh và đề tài có tính chất liên ngành). Các công trình, bài báo nghiên cứu của các chị đã được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế ngày càng tăng cả về chất lượng và số lượng; nhiều đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao.

Điều này cho thấy sự trưởng thành và khẳng định thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của đội ngũ nữ CBVCLĐ Đại học Huế.

Có được những thành quả trên, ngoài nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ nữ CBVCLĐ, phải nói đến vai trò của tổ chức Công đoàn các cấp trong Đại học Huế.

Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngành về chính sách phụ nữ, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Công đoàn Đại học Huế đã phối hợp cùng chính quyền xây dựng các chế độ, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác nữ, vì sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ Đại học Huế; chỉ đạo các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc phân công lao động nữ hợp lý, vận dụng chế độ, chính sách nội bộ tạo sự phát triển và bình đẳng trong cống hiến và hưởng thụ thành quả của sự phát triển; duy trì tổ chức các hoạt động khoa học nữ và những hoạt động của nữ tại các đơn vị; tạo điều kiện để ngày càng có nhiều cán bộ nữ được học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động giao lưu khoa học trong và ngoài nước; đồng thời thực hiện có hiệu quả quỹ khuyến khích tài năng tại Đại học Huế để động viên, khuyến khích nữ CBVCLĐ Đại học Huế vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát triển toàn diện và ngày càng tiến bộ.

Bên cạnh đó, Công đoàn Đại học Huế đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở triển khai tốt phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, tổ chức bình xét khen thưởng hàng năm, sơ kết, tổng kết thực hiện phong trào.

Công đoàn chủ động tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như hội nghị, hội thảo, gặp mặt nữ CBVCLĐ tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 20/10, 8/3 tạo diễn đàn để các chị học tập, chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những chị có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ giảng dạy, tạo động lực giúp các chị vững tin vào tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo của mình; phấn đấu có nhiều sản phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiển cải tiến có giá trị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tại đơn vị, cũng như phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhằm vinh danh các nhà khoa học nữ nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 2015; 5 năm ngày phụ nữ sáng tạo và kỷ niệm 33 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Công đoàn Đại học Huế đã tổ chức gặp mặt nữ CBVCLĐ chủ chốt Đại học Huế và trưng bày sản phẩm sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học của các chị đã đạt giải thưởng trong các hội thi trong nước và quốc tế, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo thuộc trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giáo dục, khoa học Công nghệ và mỹ thuật.

Nhiều chị có sản phẩm liên tục đạt giải thưởng cao ở các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và sáng tạo khoa học công nghệ qua các năm như sản phẩm của PGS.TS Đinh Thị Bích Lân (Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế) và PGS.TS Trần Thị Thu Hà (Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế)....

Mỗi sản phẩm mang nét độc đáo riêng, thể hiện quá trình lao động nghiêm túc, kiên trì và bền bỉ, không ngừng sáng tạo của các chị như sản phẩm cây giống hoa chuông invitro đã tham gia vào thị trường hoa, cây cảnh tỉnh Thừa Thiên Huế; sản phẩm mỹ thuật như đèn xếp Huế, tranh dân gian làng Sình; tranh sơn dầu đã được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật MeKong Art – Thái Lan, Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng, Canstudio.

Chế phẩm sinh học Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh ở hồ tiêu (sản phẩm MK8) đã được thương mại hoá trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm giữa Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và Công ty cổ phần Bình Điền MeKong. Sản phẩm đã được đưa ra thị trường, được chuyển giao cho đơn vị sản xuất, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp chứng nhận “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam” năm 2016.

Từ những sản phẩm trưng bày, Công đoàn Đại học Huế đã lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu tham dự triển lãm ngày “Phụ nữ sáng tạo” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Các hoạt động do Công đoàn tổ chức đã tạo nên sự lan tỏa, nhân rộng điển hình trong CBVCLĐ Đại học Huế; được lãnh đạo Đại học Huế, các đơn vị thành viên, các nhà khoa học; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đánh giá cao, ghi nhận những đóng góp, sự cống hiến công sức và trí tuệ của nữ CBVCLĐ Đại học Huế.

Công đoàn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên duy trì để kịp thời động viên, khuyến khích, tạo động lực cho nữ CBVCLĐ Đại học Huế phát huy hơn nữa khả năng sáng tạo của mình, nỗ lực phấn đấu trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và mong muốn thời gian tới có nhiều nữ CBVCLĐ tham gia nghiên cứu khoa học để tạo ra những sản phẩm, công trình khoa học mang tính ứng dụng thực tiễn cao, thiết thực góp phần đổi mới giáo dục đào tạo, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và thực hiện thành công Nghị quyết 11/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”.

Theo GD&TĐ

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng