Giáo dục-Y tế
Cần miễn giảm học phí cho con em ngư dân
07:55 | 26/08/2016

Trái với khí thế nô nức trước thềm khai giảng năm học mới, chúng tôi đi dọc biển miền Trung từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên - Huế, nơi cách đây 4 tháng xảy ra thảm họa cá chết để ghi nhận những trăn trở, lo toan của ngư dân và con em họ. Sống bám biển đồng nghĩa thu nhập phụ thuộc vào biển, nhưng thảm họa cá chết do Formosa gây ra khiến việc học của học sinh, sinh viên ở các vùng bãi ngang có nguy cơ bỏ lửng.

Cần miễn giảm học phí cho con em ngư dân

Nguy cơ nghỉ học giữa chừng

Chị Trần Thị Liên, thôn 6 xã Triệu Vân (Triệu Phong, Quảng Trị) cho biết, gia đình chị sống nhờ vào biển, nhưng 4 tháng nay không kiếm được đồng nào, không biết có kham nổi việc cho con đi học tiếp đại học nữa hay không. “Nếu không có chính sách gì và đánh bắt hải sản không có chiều hướng khá lên, phải cho con nghỉ học giữa chừng thì tội lắm” - chị Liên, nói.

Sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, nhưng em Trần Khương Huy (huyện Triệu Phong) vẫn lo âu gia đình khó có thể lo được chi phí cho em tiếp tục theo học, bởi gia đình Huy đông anh em, nghề buôn bán hải sản của ba mẹ Huy mấy tháng trở lại đây không thuận lợi. “Em học ở TP. Hồ Chí Minh chi phí đắt đỏ, mà gia đình không có thu nhập, đợt tới nhập học không biết mẹ em phải xoay xở như thế nào” - Huy lo âu.

Sau thảm họa cá chết, ngư dân tại các vùng bãi ngang của tỉnh Quảng Trị rơi vào tình cảnh khốn khó, nhiều gia đình ngư dân đứng trước nguy cơ phải cho con cái nghỉ học.

Để có tiền mua sắm áo quần, sách vở, học phí cho con trai Trần Văn Trường (lớp 9, Trường THCS Phú Hải), vợ chồng ông Trần Khanh (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) trở lại biển đánh bắt cá, nhưng càng ra khơi càng lỗ vốn nên phải neo thuyền gần nửa tháng qua. “Chưa biết năm nay đóng bao nhiêu học phí và các khoản phục vụ ở trường, chứ riêng sắm sửa cho con đã hết tiền triệu rồi”, ông Khanh nói.

Thầy Lê Tuấn Khương - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diên - cho biết, đầu năm học mới, HS đi học đầy đủ. Một số HS là con của ngư dân gặp những khó khăn nhất định vì cha mẹ không thể ra khơi. “Trường chưa đả đụng gì đến chuyện thu học phí năm học này và mong cấp trên có chủ trương để hỗ trợ HS, tránh tình trạng vì khó khăn mà ngư dân cho con nghỉ học”, ông Khương nói.

Ngư dân Hoàng Xuân Quang (32 tuổi, trú phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - cho biết, sống bằng nghề biển, anh là trụ cột của gia đình nuôi 6 miệng ăn, gồm cha già, vợ và 4 đứa con. Trong đó, 3 đứa đang học tiểu học, đứa nhỏ nhất mới 5 tháng đang trên tay mẹ. Bình thường, khi chưa xảy ra thảm họa cá chết, gắng gượng, anh cũng kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình. Thế nhưng, từ khi xảy ra thảm họa biển chết đến nay, cuộc sống của gia đình anh vô cùng khó khăn. Mới đây anh đã phải lặn lội vào tận Phú Quốc xin làm bạn thuyền với ngư dân bản địa.

Cần miễn giảm học phí cho con em ngư dân

“Bước vào năm học mới rồi, giờ sách vở, áo quần, tiền chuẩn bị đóng nộp đầu năm cho 3 đứa con chưa có. Tôi thật sự đang rất lo lắng. Mong sao trong lúc khó khăn này, các con của ngư dân bị thiệt hại vì biển chết của chúng tôi sẽ được miễn giảm tiền học, tiền trường, nếu không sẽ là quá sức, con cái chúng tôi không thể đến trường mất” - anh Quang chia sẻ.

Chờ hồi âm từ Chính phủ

Trước những khó khăn mà HS, sinh viên ở địa phương gặp phải, chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục các địa phương cũng hết sức quan tâm, song tất cả phải chờ chủ trương từ Chính phủ.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một cán bộ Sở GDĐT Hà Tĩnh cho biết, sở vừa rồi đã có văn bản gửi sang HĐND tỉnh đề nghị mức thu học phí năm học mới 2016 - 2017 nhưng chưa có hồi âm. Sau khi có chủ trương sở sẽ trình mức giảm học phí cho con em của ngư dân bị thiệt hại. Ông Lê Minh Đạo - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang đề nghị lên Trung ương xem xét có chính sách hỗ trợ học phí năm học này cho con em ngư dân, hiện đang chờ Trung ương trả lời.

Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị đã chủ động đề nghị NXB Giáo dục Việt Nam tại Đà Nẵng hỗ trợ 400 bộ SGK từ lớp 1 - 12 tặng cho những HS ở vùng biển khó khăn nhất. Bên cạnh đó, ngày 16.8 - Sở GDĐT có công văn số 1060 đề nghị trình HĐND tỉnh Quảng Trị không thu học phí năm học 2016 - 2017 ở vùng biển bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa. Trước đó, vào ngày 1.8, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có báo cáo số 123 về tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh liên quan đến sự cố môi trường biển tại Quảng Trị gửi Chính phủ, đề xuất việc miễn giảm học phí cho HS ở vùng biển bãi ngang. “Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi chưa được hồi âm, trong lúc năm học mới đã đến rất gần” - bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, nói.

Ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GTĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, sắp tới, tỉnh sẽ thông qua chính sách học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ. Theo đó, căn cứ vào tình huống thiên tai, địch họa bất ngờ, UBND tỉnh sẽ xem xét để có chính sách miễn hoặc giảm cho HS. “Nghị quyết về học phí, trong đó có phần miễn giảm học phí cho con ngư dân sẽ được thông qua tại cuộc họp HĐND tỉnh sắp tới. Vấn đề này, liên ngành cùng bàn chứ riêng ngành giáo dục không thể quyết định được”, ông Hùng - nói. 

 

Theo Lao Động

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng