Sáng ngày 14/12, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức Tọa đàm “Hành trình 120 năm Trường Bá Công - Kỹ nghệ thực hành - Cao đẳng công nghiệp Huế”.
Ngày 27/10/Kỷ Hợi (29/11/1899), vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập Trường Bách công, nằm ở khu đất gần đối diện với đình Tứ Phương và Bình An đường - góc Đặng Thái Thân và Đoàn Thị Điểm hiện nay. Trường có quy mô khoảng 200 học trò, mỗi tháng cấp học bổng 3 đồng, việc dạy học chia ra từng bậc, mỗi bậc đều có mức tay nghề riêng. 1907 , nhà trường được mở rộng học quy, từ chỗ chỉ để chuyên dạy kỹ nghệ, Trường Bách công đã trở thành một sở ứng dịch. Đặc biệt là những người thợ tay nghề cao cũng có thể làm việc máy móc nhưng do nhu cầu xe lửa tàu máy cùng nhiều xưởng máy, cần tu chỉnh mở rộng, “dạy thêm kỹ nghệ bách công để về sau giỏi nghề chuyển đi nơi khác dạy khắp cho quốc dân”. 9/11/1921, Toàn quyền Đông Dương đã tiếp nhận ngôi trường từ Nam triều, đổi thành Trường Kỹ nghệ thực và chuyển sang bờ Nam sông Hương, ở vị trí hiện nay.
Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, các giáo viên, cựu giáo viên cũng như nhiều cựu sinh viên đã trao đổi nhiều vấn đề với nhau về những giá trị lịch sử, tên gọi, địa điểm cũng như sự phát triển của trường. Đồng thời ôn lại chặng đường lịch sử 120 năm Trường Bá Công - Kỹ nghệ thực hành - Cao đẳng Công nghiệp Huế và đặt ra mục tiêu, sứ mệnh của trường trong tương lai.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, sự xuất hiện của ngôi trường không phải là trường dạy nghề đơn giản mà đó là một trong những nhân tố quan trọng đầu tiên để xây dựng đô thị hiện đại và ông mong muốn trường sẽ phát triển theo hướng trở thành học viện hay đại học công nghiệp để tiếp tục làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển của đô thị Huế, xứng đáng với truyền thống nhà trường.
Tại buổi tọa đàm, TS. Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghiệp Huế chia sẻ về kết quả đạt được của trường, tình hình việc làm của sinh viên, định hướng phát triển trường, xây dựng và nâng cao sứ mệnh của nhà trường trong thời đại 4.0 và nhất là xây dựng nhà trường chất lượng cao tiêu chuẩn quốc tế.
Phương Anh