Sáng nay (17/09), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão – Cơn bão số 8. Hồi 10 giờ ngày 17/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. Đến 10 giờ ngày 18/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 10 giờ ngày 19/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ kinh Đông, trên vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Trị – Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Bình – Bình Định từ sáng mai (18/09), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Khu vực các tỉnh Nghệ An đến Khánh Hòa từ ngày mai (18/09) có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Để chủ động trong công tác đối phó với bão số 8 có khả năng đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Thừa Thiên Huế, kết hợp với mưa to gây lũ lớn trên diện rộng, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các huyện, thị xã và thành phố Huế, các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh triển khai các nội dung sau: Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi; Tổ chức kêu gọi số phương tiện còn lại về ngay trú ẩn an toàn trong ngày 17/9/2013; Quản lý chặt chẽ tàu thuyền và tổ chức neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn (trong đó, cần chú ý đến số ghe thuyền hoạt động bãi ngang). Trong ngày 17/9 và ngày 18/9 chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng sạt lở và vùng ven biển; Triển khai ngay việc di dời dân khi có lệnh của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh. Tổ chức kiểm tra kho tàng, nhà xưởng, công sở, di tích văn hóa, giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; Đảm bảo an toàn giao thông, bảo đảm an toàn lưới điện, thông tin liên lạc; Dự trữ lương thực, thực phẩm, mì ăn liền và các nhu yếu phẩm khác đề phòng bão lụt; Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình mưa bão để chủ động cho học sinh các cấp nghỉ học. Tổ chức trực ban, thường xuyên kiểm tra các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện. Chuẩn bị sẵn sáng lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý kịp thời khi có sự cố theo phương án phòng chống lụt bão, công trình đã được phê duyệt; Thông báo, thông tin mực nước và lượng mưa về Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, Trung tâm Khí tượng thủy văn Huế. Các chủ đầu tư nhất là các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông đang thi công dở dang, chỉ đạo các nhà thầu thi công có phương án bảo vệ các công trình xây dựng; Đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công và các công trình cơ sở hạ tầng gần khu vực công trình. Lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an và các ngành, các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện trực tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 8 để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra và thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh theo quy định. Công điện số 05/PCBL |