Huế luôn luôn mới
Trao tặng hiện vật về Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (Thừa Thiên - Huế)
08:07 | 04/11/2013

Vừa qua, các thành viên trong dòng họ của Bác Hồ đã đến thăm và trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế một bức ảnh Bác Hồ với lớp huấn luyện cán bộ cấp tỉnh tại Trường Nguyễn Ái Quốc, Việt Bắc (năm 1949).

Trao tặng hiện vật về Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (Thừa Thiên - Huế)
Bức ảnh Bác Hồ với lớp huấn luyện cán bộ cấp tỉnh tại trường Nguyễn Ái Quốc, Việt Bắc năm 1949

Ông Trần Ngọc Thọ (con rể của của ông Nguyễn Sinh Tuấn) hiện đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết:
"Được sự ủy quyền của ông Nguyễn Sinh Tuấn và hai bác Nguyễn Sinh Thọ, Nguyễn Sinh Trường - trưởng tộc nhánh I chi II, là các cháu nội đích tôn thừa tự đời thứ 5 của cụ cố Nguyễn Sinh Nhậm (làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), vừa qua, chúng tôi và những bà con trong dòng họ Nguyễn Sinh đã đến làng Phú Lễ, Nam Dương (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thăm hỏi bà Nguyễn Thị Chanh - cháu nội cụ cố Trần Thị Sành (người đã từng cưu mang ông Nguyễn Sinh Khiêm trong những ngày ông Khiêm sinh sống ở thôn Phú Lễ).

Đồng thời, đại diện họ tộc Nguyễn Sinh, tôi và các thành viên trong dòng họ của Bác Hồ đã đến thăm và trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế một bức ảnh Bác Hồ với lớp huấn luyện cán bộ cấp tỉnh tại trường Nguyễn Ái Quốc, Việt Bắc năm 1949".

Trong bức ảnh có hình ảnh liệt sĩ, nhà tình báo Nguyễn Hữu Đà - là cháu nội của bà Trần Thị Sành. Đây là bản sao mà gia đình ông Nguyễn Sinh Tuấn có được sau cuộc gặp gỡ với con cháu dòng họ Nguyễn Hữu tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2012. (Bức ảnh bản gốc hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng ngành Tình báo Quân sự đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội).

Theo lời kể của ông Nguyễn Sinh Thọ và ông Nguyễn Sinh Trường, vào những năm 20 - 40 của thế kỷ XX,  bà Nguyễn Thị  Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị gái và anh trai Bác Hồ) sau thời gian bị bắt giam vì hoạt động yêu nước đã bị thực dân Pháp và chính quyền Nam Triều không cho phép về quê nhà, buộc phải sống quản thúc ở Huế.

Được sự giới thiệu của cụ Phan Bội Châu, bà Thanh đã có thời gian về sống trong nhà cụ cố Trần Thị Sành và những người con trai của mình ở thôn Nam Dương. Còn ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ) ở làng Phú Lễ cùng gia đình ông Nguyễn Hữu Hoàng.

Bác Nguyễn Thị Chanh - cháu nội bà Sành - đã được gần gũi và chăm sóc bà Thanh trong những năm 1937 - 1940. Thời gian này có những lần bác Thọ, bác Trường từ Nghệ An vào Huế thăm ông bà trẻ của mình, nhờ vậy hai bác cũng được sống trong sự gắn bó quan tâm chăm sóc đó.

Cùng lứa tuổi của bác Thọ và bác Trường có ông Nguyễn Hữu Đà - em ruột bác Chanh. Bác Đà từng được đi với ông Nguyễn Sinh Khiêm trong chuyến ông ra Hà Nội thăm Bác Hồ. Sau đó bác Đà cùng theo ông Khiêm về thăm làng Sen trong những ngày giáp Tết Âm lịch năm 1946.

Tình cảm giữa hai gia đình có truyền thống yêu nước sống nghĩa tình đã trở thành sợi dây tình cảm nối bác Đà, bác Trường, bác Thọ trở thành những người bạn thân thiết.

Ông Trần Ngọc Thọ tâm sự: Khi trao bức ảnh Bác Hồ với lớp huấn luyện cán bộ cấp tỉnh tại trường Nguyễn Ái Quốc, Việt Bắc năm 1949 đến Bảo tàng Hồ Chí Minh (tỉnh Thừa Thiên - Huế), gia đình chúng tôi muốn bày tỏ tình cảm chân tình đối với vùng đất Thừa Thiên - Huế. Nơi mà trước đây cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã sống suốt hơn nữa thế kỷ từ những năm 1895  - 1946.

 

Theo Minh Ngọc (GD&TĐ)
 

Các bài mới
Các bài đã đăng